Ngày Khí tượng thế giới 2021: Tầm quan trọng của đại dương đối với sự thay đổi thời tiết và khí hậu

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Khí tượng thế giới quyết định chọn chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm nay (23/3) là “Đại dương - thời tiết và khí hậu của chúng ta”. Điều đó đã cho thấy tầm quan trọng của đại dương đối với sự thay đổi của thời tiết và khí hậu, nhân tố chính tác động đến sự hưng thịnh hay suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.

 Chung tay bảo vệ Trái đất (Ảnh minh họa)
Kết nối đại dương, thời tiết và khí hậu
Đại dương bao phủ 70% bề mặt trái đất, là nhân tố chính của sự thay đổi về thời tiết và khí hậu trên thế giới, đóng một vai trò trung tâm trong biến đổi khí hậu. Đại dương cũng là nhân tổ chính của nền kinh tế toàn cầu. Với chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2021: “Đại dương - thời tiết và khí hậu của chúng ta”, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) muốn nhấn mạnh việc kết nối đại dương, thời tiết và khí hậu trong hệ thống trái đất. Đồng thời, cũng đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (2021 - 2030). Thập kỷ khuyến khích nỗ lực thu thập khoa học đại dương - thông qua các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi - làm cơ sở thông tin để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.
Có 6 vấn đề chính được đề cập đến trong chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm nay. Thứ nhất, đại dương tác động thế nào đến khí hậu và thời tiết. Thứ hai, đảm bảo an toàn trên biển và đất liền. Thứ ba, quan trắc đại dương. Thứ tư, dự báo thay đổi khí hậu. Thứ năm, đại dương và biến đổi khí hậu. Thứ sáu, mục tiêu phát triển bền vững và các sáng kiến khác.
Trước những tác động qua lại, ảnh hưởng mật thiết của khí hậu lên đại dương và ngược lại, để có được những dự báo chính xác về vấn đề này, ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, theo Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái, trong thời gian qua, ngành KTTV đã triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ liên quan đến hệ thống quan trắc, thông tin dữ liệu, năng lực tính toán, công nghệ dự báo, nguồn nhân lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đối với hệ thống quan trắc, ngành KTTV đã triển khai nhiều dự án nhằm tăng cường năng lực quan trắc và truyền tin KTTV. Đã xây dựng trạm ra đa thời tiết hiện đại mới tại Phù Liễn (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Pha Đin (Lai Châu). Toàn bộ hệ thống ra đa thời tiết trong vài năm tới sẽ hoàn thành việc nâng cấp, bổ sung, có thể phủ sóng toàn bộ đất liền và các vùng biển ven bờ, khu vực biển quần đảo Trường Sa và Phú Quốc cho phép giám sát hoạt động của bão, cảnh báo sớm mưa lớn và phát hiện sớm dông sét.
Với công tác thông tin dữ liệu, chúng ta đã từng bước nâng cấp mạng thông tin khí tượng toàn cầu của. Đồng thời triển các kênh trao đổi quốc tế về thông tin KTTV. Những thông tin dự báo KTTV được cung cấp đến các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai ở Trung ương và địa phương một cách nhanh chóng bằng hệ thống truyền tin đa phương tiện, hoàn chỉnh. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ hoàn thiện trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin cho Trung tâm Dữ liệu Data Center (DC) tại Hà Nội và đầu tư xây dựng DC mới tại TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, sẽ xây dựng mạng dùng riêng cho lĩnh vực KTTV; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truyền dẫn thế hệ mới trong thu nhận, truyền phát thông tin KTTV...
Đối với hệ thống tính toán, từ năm 2018, Tổng cục KTTV đã đầu tư hệ thống tính toán hiệu năng cao CrayXC40 với năng lực tính toán đạt 80 - 100TFLOPS cho phép triển khai các mô hình dự báo khu vực khí tượng và hải văn với độ phân giải chi tiết hơn; một số loại số liệu quan trắc đã được đồng hóa, qua đó kết quả dự báo đã có độ tin cậy và chi tiết hơn.
“Từng bước nâng cao công nghệ dự báo. Hiện chúng tôi đã triển khai nghiên cứu ứng dụng nhiều mô hình số trị hiện đại trong dự báo khí tượng, thủy văn và hải văn (dự báo thời tiết, lũ và ngập lụt cho các lưu vực sông khác nhau; xâm nhập mặn; dòng chảy, thủy triều, sóng và nước dâng trong bão), khai thác các nguồn số liệu từ vệ tinh, từ các trung tâm dự báo uy tín trên thế giới như của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản” - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết.
Đi cùng với công nghệ là tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Những năm qua, ngành KTTV đã chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực quan trắc, dự báo và thông tin KTTV với nhiều khóa đào tạo dài và ngắn hạn ở trong nước cũng như tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Na Uy... Nhiều cán bộ, viên chức của ngành đã theo học các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài và trở lại làm việc sau khi hoàn thành khóa học.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Đại dương là nơi điều hòa khí hậu và cung cấp môi trường sống cho hàng ngàn sinh vật biển và các dịch vụ liên quan đến biển. Ngày nay, phát triển bền vững đại dương là một trong những mục tiêu quan trọng đối với toàn thế giới nói chung và với Viêt Nam nói riêng.
“Bờ biển Việt Nam dài 3260km trải từ Bắc xuống Nam, là nơi duy trì và phát triển cho ngành nuôi trồng thủy hải sản. Nếu chúng ta không nhanh chóng từ bỏ những thói quen xấu đã gây ra với môi trường, có lẽ đại dương trong tương lai sẽ “chết”.
"Sự biến mất từng phần hay toàn bộ đại dương sẽ kéo theo sự mất cân bằng sinh thái, khí hậu và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống con người. Bởi vậy, mỗi người hãy cùng chung tay xây dựng một biển xanh không rác thải nhựa, tích cực trồng rừng và tái tạo môi trường sống xanh làm giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu" - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần