Ngày không tiền mặt 2021: Hướng tới phương thức thanh toán tiện ích, minh bạch

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang là xu thế chủ đạo. Để khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại khi mua sắm hàng hóa - dịch vụ, ngày 16/6 đã được lựa chọn là "Ngày không tiền mặt" tại Việt Nam.

Người dân nên sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại khi mua sắm hàng hóa - dịch vụ. Ảnh: Việt Linh
Miễn giảm phí, hoàn tiền… tăng khuyến mại
Tiếp nối thành công từ hai năm 2019 và 2020, chương trình "Ngày không tiền mặt năm 2021" được tổ chức với sự đồng hành của các ngân hàng, trung gian thanh toán, Fintech, các DN sản xuất, dịch vụ, thương mại… như: Sacombank, Vietinbank, HDbank, Vietcombank, Agribank, nhóm các đơn vị trung gian thanh toán và Fintech như: Napas, VISA, JCB, ShopeePay, Momo, ZaloPay, VNPay, các đơn vị bán lẻ, DN dịch vụ như Saigon Co.op, VietjetAir…

Giảm giá, tặng voucher mua hàng, hàng loạt chương trình khuyến mại đang được đưa ra. Trong suốt thời gian diễn ra chuỗi sự kiện, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử, DN cung cấp dịch vụ, nhà bán lẻ... đưa ra hàng triệu ưu đãi đặc biệt cho khách hàng TTKDTM.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, ngày 15/6, NAPAS và 14 ngân hàng thành viên chính thức công bố nhận diện thương hiệu VietQR và Dịch vụ Chuyển tiền nhanh Napas247 bằng mã QR (gọi tắt là Chuyển nhanh Napas247).

Người dân tiêu tiền gì vào “Ngày không tiền mặt”?

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chuỗi sự kiện "Ngày không tiền mặt 2021" sẽ tạo cơ hội cho người dân trên cả nước, đặc biệt là giới trẻ, công nhân, người thu nhập trung bình thấp được trải nghiệm và thấy rõ hơn lợi ích của các phương tiện thanh toán điện tử mang lại, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp.

Ngoài việc đi chợ online 3 tháng nay trên điện thoại qua ứng dụng của ngân hàng, chị Trần Thu Thủy (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) cho biết, dịp này tôi được voucher giảm đến 35% tất cả các dịch vụ điều trị và chăm sóc da khi thanh toán bằng thẻ HDBank.

Chị Nguyễn Thu Dung (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, "Ngày không tiền mặt 2021", tôi sử dụng ví Momo với hàng trăm deal mua đồ ăn, thức uống mang về và các sản phẩm khác với giá chỉ từ 1.000 đồng. Cùng với đó là các chương trình hỗ trợ di chuyển an toàn mùa dịch cho các phương tiện máy bay, xe khách, tàu hỏa...

Phó Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Minh Tâm cho biết, Sacombank xem việc đồng hành cùng sự kiện "Ngày không tiền mặt 2021" là một trong những hoạt động truyền thống của mình. Điểm nhấn năm nay là việc Sacombank triển khai các công nghệ thanh toán mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Điển hình là "tap to phone" - biến điện thoại di động thành thiết bị chấp nhận thanh toán thay thế cho máy POS. Tất cả những gì DN cần chỉ là tải ứng dụng mMerchant dành riêng cho điểm bán và đăng ký thông qua giải pháp phê duyệt nhà bán hàng siêu tốc.

Tương lai không tiền mặt ở Việt Nam không còn xa

Việc người tiêu dùng Việt Nam nhanh chóng đón nhận những công nghệ mới nhất sẽ tạo tiền đề cho nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Theo đó, việc sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc qua thẻ và điện thoại thông minh, thanh toán bằng mã QR đều tăng mạnh.

Thống kê cho thấy, TTKDTM đang tăng với tốc độ chóng mặt cả về số lượng và giá trị, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp... Lãnh đạo Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho hay, 5 tháng đầu năm hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, tương ứng với hơn 8 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.

Còn Vụ Thanh toán NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 4/2021, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều tổ chức dự đoán, giao dịch qua di động tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tới 400% vào năm 2025 nhờ sự bùng nổ của kinh tế số.

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh TTKDTM trong nền kinh tế, như: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán, trong đó tập trung hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về TTKDTM và tổ chức triển khai; xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, mọi người cũng e ngại việc tiếp xúc, nên mọi thứ đều diễn ra trên không gian mạng, trao đổi online. Thanh toán điện tử hoàn toàn vừa góp phần giảm chi phí giao dịch tiền mặt cho DN, vừa giảm thiểu được tình trạng gian lận, trốn thuế, biển thủ công quỹ.

TS Võ Trí Thành