Mở lại phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm

Trần Long - Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (SN 1972) - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương, cùng các đồng phạm, được mở lại vào sáng nay (28/8). Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 20 ngày.

Tại phiên tòa, Chủ tọa Trần Nam Hà cho biết, liên quan đến vụ án này, bị cáo Hứa Thị Phấn (SN 1947 – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ bị truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tín dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 179 BLHS. Tuy nhiên, bị cáo Phấn đã có đơn xin được xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên tòa.

Bị cáo Vũ Thị Thùy Dương (SN 1980, trú tại Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội – nguyên Giám đốc khối kế toán và Giao dịch trong nước của Oceanbank) cũng có đơn xin xét xử vắng mặt vì vừa mới sinh con. Nội dung đơn của bị cáo Dương thể hiện nếu như thấy cần thiết bị cáo cũng sẽ có mặt tại phiên tòa ở thời điểm nhất định.

Bị cáo Nguyễn Viết Hiền - cựu Giám đốc Oceanbank - Phòng giao dịch Âu Cơ cũng có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang bị bệnh hiểm nghèo.

Các luật sư cho biết về phần bị cáo Dương thì do phiên tòa kéo dài 20 ngày để cho bị cáo Dương được nghỉ ngơi. Luật sư của bà Phấn cho biết bà Phấn đang nằm điều trị tại bệnh viện trong tình trạng tiểu đường không đi lại được, nửa mê nửa tỉnh, mất tỷ lệ sức khỏe đến 93% nên đề nghị HĐXX cho bị cáo Phấn được vắng mặt trong phiên tòa này.
 Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ khóc nức nở tại phiên tòa.

Sau khi hội ý xong, HĐXX quyết định tiếp tục phiên xử. Theo phía chủ tọa phiên tòa, các bị cáo đã có lời khai trong hồ sơ vụ án, nếu cần thiết sẽ công bố những lời khai của 3 bị cáo vắng mặt, trong trường hợp cần thiết sẽ áp giải đến tòa.

Đáng chú ý, trong phần làm thủ tục, một số bị cáo nữ sụt sùi nước mắt trả lời HĐXX. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba sụt sùi khóc (SN 1973) tại Hà Nội, HKTT và chỗ ở Phường Cổ Nhuế 1 quận Bắc từ Liêm TP Hà Nội. Bị cáo Ba nguyên là Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ Oceanbank.

Phạm Thị Hồng Tứ bật khóc trước tòa khiến Chủ tọa phiên tòa lập tức chấn an các bị cáo bình tĩnh.

Nữ bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (SN 1983) HKTT phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) khi HĐXX thẩm tra căn cước, bị cáo này bất ngờ khóc nấc lên tại phiên tòa. Bị cáo Tứ khai, trước là Thư ký của Hà Văn Thắm, sau đó được Hà Văn Thắm bầu là Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần BSC Việt Nam (Công ty "sân sau" do Hà Văn Thắm lập ra).
 
Theo thông tin từ TAND TP Hà Nội, ngày 28/8, cơ quan này sẽ mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hà Văn Thắm (SN 1972) - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) cùng các đồng phạm do liên quan đến sai phạm xảy ra tại ngân hàng này.
 
 Đúng 7 giờ 30 xe chở bị cáo Hà Văn Thắm được đưa đến TAND TP Hà Nội
Hội đồng xét xử sơ thẩm dự kiến sẽ gồm 5 người. Ngoài ra, do tính chất quan trọng của phiên tòa nên TAND TP Hà Nội còn bố trí thêm 1 thẩm phán dự khuyết và 2 hội thẩm Nhân dân dự khuyết. Đồng thời, sẽ có hai kiểm sát viên của Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa cùng 1 kiểm sát viên dự khuyết.
Trước phiên tòa, an ninh vòng ngoài được thắt chặt, lực lượng chức năng phân luồng giao thông tránh ùn tắc. Khoảng 7 giờ 15 phút bị cáo Hà Văn Thắm được dẫn giải vào phòng. Quan sát cho thấy, bị cáo Thắm đến tòa với vẻ mặt khá điềm tĩnh. Cán bộ cảnh sát đưa bị cáo vào phòng kín. Bên ngoài, nhiều phóng viên báo chí chờ tác nghiệp.
Đây được xem là phiên tòa giữ kỷ lục về số lượng người tham gia tố tụng với 600 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và hơn 50 luật sư tham gia bào chữa.
Trước đó, vào cuối tháng 7, Viện KSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố và chuyển hồ sơ vụ án Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm sang TAND TP Hà Nội.
 Ngay từ đầu giờ sáng an ninh tại phiên toà đã được thắt chặt.
Theo cáo trạng mới này, bị can Thắm sẽ bị truy tố về 4 tội danh: "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Bị can Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank và là người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tại ngân hàng này bị truy tố về 3 tội danh: "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Cũng theo cáo trạng lần này, ngoài 2 bị can Thắm, Sơn và 45 bị can khác còn có thêm ông Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, bà Hứa Thị Phấn - đại diện nhóm cổ đông Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) cùng bị truy tố 2 tội: "Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; Hoàng Thị Hồng Tứ - nguyên Chủ tịch Công ty BSC (công ty sân sau của Hà Văn Thắm - PV) bị truy tố tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và Trần Văn Bình - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung bị truy tố tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Riêng bà Nguyễn Minh Phương - nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank được tạm đình chỉ bị can do bệnh hiểm nghèo.
 Rất đông những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt để làm thủ tục tham dự phiên toà
Kết quả điều tra bổ sung đối với vụ án này cho thấy, tính đến tháng 3/2014, vốn điều lệ của Oceanbank là 4.000 tỷ đồng và gồm 1.137 cổ đông (trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ).
Cáo buộc của cơ quan tố tụng xác định, trong quá trình hoạt động, bị can Thắm cùng đồng phạm đã có nhiều vi phạm pháp luật trong việc cho vay vốn, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần và chi lãi suất ngoài hợp đồng. Tội phạm mà Thắm cùng các bị cáo liên quan gây ra đã làm thiệt hại nặng nề đối với các cổ đông (trong đó có vốn Nhà nước). Đồng thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ. Theo đó, tổng số tiền mà Thắm cùng các đồng phạm liên quan gây thiệt hại lên tới gần 2.000 tỷ đồng.