Ngày quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân 29/8: Hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev tin tưởng rằng, Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân 29/8, cùng với các sự kiện sẽ góp phần hình thành cục diện toàn cầu, hướng tới thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Ngày 26/8, tại hội nghị trực tuyến kỷ niệm Ngày quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân năm nay, Thư ký điều hành của Tổ chức Hiệp ước về cấm toàn diện các cuộc thử nghiệm hạt nhân (CTBTO) Lassina Zerbo chính thức giới thiệu cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultana Nazarbayev trong quy chế độc đáo mới là "Nhà vô địch của CTBTO".
Tại kỳ họp lần thứ 64 ngày 2/12/2009, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/64/35 chọn ngày 29/8 hằng năm là “Ngày quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân”. Tác giả của Nghị quyết A/RES/64/35 là 26 quốc gia.
Cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultana Nazarbayev.
Trong đó, sáng kiến công bố 29/8 là Ngày quốc tế hành động chống thử nghiệm hạt nhân thuộc về Tổng thống đầu tiên của Kazakhstan - ông Nursultan Nazarbayev.
Kể từ năm 2010, vào ngày này hàng năm các hoạt động được tổ chức nhằm nhắc nhở thế giới về những hậu quả đáng sợ của các vụ thử nghiệm hạt nhân và ngăn chặn việc tái diễn chúng trong tương lai.
Ngày này, được tổ chức trên khắp thế giới bằng việc tiến hành các cuộc hội thảo, hội nghị, triển lãm, các cuộc thi, xuất bản chuyên đề, tổ chức các bài thuyết giảng tại các viện hàn lâm, truyền đạt thông tin và các sự kiện khác. Liên Hợp quốc hàng năm cũng tổ chức các hoạt động đúng vào Ngày này.
Đặc biệt, một sáng kiến toàn cầu đáng được ghi nhận của Kazakhstan trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân là dự án quốc tế "ATOM" (Abolish Testing: Our Mission), được  cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev công bố ở thủ đô Kazakhstan vào tháng 8/2012 tại hội nghị quốc tế "Từ cấm thử hạt nhân tới thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Tại hội nghị này, ông Nazarbayev đã kêu gọi những người tham gia hội nghị và tất cả mọi người có thiện chí trên thế giới ủng hộ Dự án “ATOM”, ký thỉnh nguyện thư điện tử gửi các chính phủ của thế giới với lời kêu gọi từ bỏ vĩnh viễn các vụ thử hạt nhân.
Mục tiêu của dự án “ATOM” là mang lại những thay đổi thực sự, vĩnh viễn bằng cách đoàn kết mọi người trên khắp thế giới trong cuộc đấu tranh vì chấm dứt triệt để các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và cuối cùng là giải cứu thế giới khỏi vũ khí hạt nhân.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân năm 2020, ông Nazarbayev đã điểm lại những nỗ lực và sáng kiến của Kazakhstan trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân, trong đó nổi bật là đề xuất về đảm bảo thế giới không có vũ khí hạt nhân vào năm 2045 và thông qua Tuyên bố tương ứng.
Theo cựu Tổng thống Nazarbayev, một trong những kết quả của quá trình hướng tới mục tiêu này là việc Kazakhstan vào năm 2019 đã trở thành nước 26 phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Trước đó, vào năm 2018, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 10 thực hiện điều này.
Theo đánh giá của ông Nazarbayev, với vị trí là hai nước ở Trung Á và Đông Nam Á, Kazakhstan và Việt Nam đều là những thành viên tham gia các khu vực không có vũ khí hạt nhân, đồng thời thể hiện rõ quan điểm nhất quán về duy trì hòa bình và giải trừ hạt nhân chung trên hành tinh.
Cựu Tổng thống Kazakhstan tin tưởng rằng, Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân, cùng với các sự kiện và hoạt động liên quan khác sẽ góp phần hình thành cục diện toàn cầu, mở ra triển vọng lạc quan hơn, hướng tới thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần