Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức như thế nào trên thế giới?

Khang Nhi (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ra đời năm 1889, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức nhằm kỉ niệm phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người lao động trên toàn thế giới.

Đến nay, ngày 1/5 đã trở thành ngày nghỉ lễ chính thức tại hơn 80 nước và vùng lãnh thổ. Người dân nhiều nước khác dù không được nghỉ làm cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm. Tuy vậy, đại dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm qua đã khiến người lao động trên toàn thế giới phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, các hoạt động kỷ niệm ngày này ở nhiều nước cũng bị hủy bỏ.

Ngày 1/5 là ngày nghỉ lễ chính thức của Áchentina. Trong ngày này, nhiều hoạt động kỷ niệm liên quan đến phong trào lao động được tổ chức, trong đó có tuần hành ở những thành phố lớn nhất nước. Người dân Áchentina cũng có thói quen tụ tập với bạn bè tại các điểm vui chơi hay nơi làm việc để ăn uống.

Áchentina kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động đầu tiên vào năm 1890 cùng với phong trào lao động quốc tế. Khi đó, các công đoàn Áchentina đã tổ chức một số hoạt động chung tại thủ đô Buênốt Airết và nhiều thành phố khác. Năm 1909, cảnh sát đã giết chết 9 công nhân trong lễ kỷ niệm ngày 1/5 ở Buênốt Airết. Đây là vụ thảm sát xã hội đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Áchentina. Năm 1930, chính quyền độc tài quân sự ở Áchentina cấm kỷ niệm ngày 1/5. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1955, ngày này lại rất được chính phủ của Tổng thống Juan D. Perón coi trọng.

Năm 1931, Tổng thống Carlos Ibáñez del Campo ra sắc lệnh quy định ngày 1/5 hàng năm là ngày lễ quốc gia của Chilê để vinh danh tầng lớp công nhân. Trong ngày này, hầu hết các cửa hàng và dịch cụ công đều ngừng hoạt động. Các nghiệp đoàn lớn ở Chilê tổ chức tuần hành vào buổi sáng và nhiều hoạt động mang tính lễ hội vào buổi chiều và tối trên mọi thành phố lớn. Trong những cuộc tuần hành này, đại diện của các đảng chính trị cánh tả thường đề cập đến những vấn đề liên quan đến quyền lợi của công nhân.

Tại Cuba, ngày Quốc tế Lao động là một ngày lễ được tổ chức rất long trọng. Ngày 1/5/2012, hàng trăm ngàn công nhân mặc áo đỏ, tay vẫy cờ đỏ đã tham gia cuộc diễu hành qua quảng trường Cách mạng ở thủ đô La Habana. Cuộc diễu hành nhằm khẳng định quyết tâm xây dựng xã hội chủ nghĩa của nhân dân và chính phủ Cuba. Chủ đề lễ diễu hành năm 2012 là “Bảo vệ và hoàn thiện chủ nghĩa xã hội”.
Cuba đã mời 1.800 lãnh đạo các tổ chức xã hội và lao động ở hơn 100 quốc gia tới dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động năm 2012. Một trong số đó, ông Leonardo Lagarde đến từ Urugoay, bày tỏ: “Đây là thánh địa Mecca. Chúng tôi mơ được đến đây vào ngày 1/5 để kỷ niệm với nhân dân Cuba. Họ là ánh sáng soi đường cho toàn thể Mỹ Latinh”.

Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu kêu gọi kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động từ năm 1948. Tháng 12/1949, Trung Quốc chính thức coi ngày 1/5 là ngày nghỉ để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động.

Từ năm 2000 đến 2007, người Trung Quốc được nghỉ 1 tuần nhân dịp Quốc tế Lao động. Các ngành như du lịch, dịch vụ được dịp hốt bạc trong tuần lễ này. Nó được coi là một trong ba Tuần lễ Vàng của Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2008, dịp nghỉ này chỉ còn 1 ngày. Nếu cộng với 2 ngày nghỉ cuối tuần gần nhất, người Trung Quốc thường có 3 ngày nghỉ dịp này.

Giống như các ngày lễ lớn khác, vào ngày 1/5, dân chúng thường kéo nhau về quảng trường Thiên An Môn từ lúc trời nhá nhem để có mặt vào lúc mặt trời mọc xem lễ thượng cờ. Các con đường dẫn tới quảng trường Thiên An Môn và tại quảng trường đều có các binh sĩ đứng thành hàng. Khi quốc ca vang lên, các binh sĩ sẽ tiến tới cột cờ và bắt đầu những động tác đơn giản để đưa lá cờ lên cao. Dù ngày nào ở quảng trường này cũng có nghi lễ thượng cờ nhưng người dân vẫn háo hức xem nghi lễ vào ngày 1/5.
Bắt đầu vào ngày 29/4, Nhật Bản đã bước vào "Tuần lễ vàng" kỷ niệm ngày lao động. Trong dịp này, người lao động tại Nhật Bản sẽ được nghỉ ít nhất 1 tuần và lâu nhất có thể lên đến 11 ngày. Vào "Tuần lễ vàng", các khu du lịch, vui chơi giải trí sẽ đông đúc hơn ngày thường.
Tại Mỹ, ngày Quốc tế Lao động bắt nguồn từ thành phố Chicago. Hàng năm cứ vào 1/5, hợp đồng mới giữa người chủ và người lao động thường được ký kết và người dân trên toàn nước Mỹ tổ chức diễu hành quy mô lớn. Hoạt động này năm nay không diễn ra do dịch Covid-19.
Thông thường, người Hà Lan vẫn làm việc vào 1/5, chỉ một số công ty và tổ chức nước ngoài cho phép nhân viên được nghỉ. Bởi vì người dân Hà Lan quan niệm ngày 1/5 là ngày đầu tiên của mùa xuân nên nếu lan tỏa những hành động yêu thương sẽ đem lại may mắn cho cả năm. 
Số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) của Liên Hợp Quốc cho thấy, tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới đã giảm 8,8% trong năm 2020, đồng nghĩa rằng thế giới mất đi 255 triệu việc làm toàn thời gian.