Ngày thế giới phòng, chống lao 24/3: Không để bệnh lao trở thành gánh nặng

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù số ca mắc và tử vong do bệnh lao ở Việt Nam đã giảm đi đáng kể trong những năm gần đây nhưng cuộc chiến chống lao vẫn quá nhiều thách thức, nhất là tình trạng lao kháng thuốc.

Tại Hà Nội, năm 2017 đã có sự thay đổi hoàn toàn mới trong công tác phòng, chống lao (PCL) khi hai đơn vị đầu mối đã được sáp nhập làm một. Đây được coi là hướng đi mới để xóa bỏ sự chênh lệch trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân lao giữa các khu vực trên địa bàn.

Quy về một mối

Trước tháng 2/2017, Hà Nội có hai đơn vị thực hiện chương trình chống lao (CTCL) tuyến TP là Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội phụ trách 16 quận, huyện và Trung tâm PCL và Bệnh Phổi Hà Nội phụ trách 14 quận, huyện phía Tây TP. Mặc dù đều là BV chuyên khoa hạng II nhưng chỉ có BV Phổi Hà Nội có hoạt động điều trị nội trú lao và bệnh phổi bằng nhiều kỹ thuật cao nên nhóm đối tượng thuộc khu vực phía Tây TP có phần “thiệt thòi” hơn trong điều trị. Với số thống kê được hàng năm khi có đến 5.000 người dân Hà Nội phải đưa vào diện quản lý điều trị và điều trị dự phòng lao các thể, trong đó ước tính có khoảng 80 – 120 người mắc lao kháng đa thuốc, CTCL TP đòi hỏi phải có sự thay đổi để tất cả người dân đều được tiếp xúc với các biện pháp PCL tiên tiến nhất, giảm nguy cơ mắc.

Khám cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. Ảnh: Hà Ngân

Giám đốc BV Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường chia sẻ, hiện công tác PCL giữa hai khu vực đang có sự chênh lệch về nhân lực và kỹ thuật. Tại 16 quận, huyện do BV Phổi phụ trách đều có bác sĩ phụ trách tổ lao ít nhất là 2 người, có những tổ có đến 11 – 12 bác sĩ phụ trách. Trong khi đó, tại các quận, huyện phía Tây chủ yếu do các y sĩ phụ trách, nhân lực tổ lao chỉ 2 – 3 người. Do đó, việc sáp nhập này vừa giúp cho BV Phổi được biết đến nhiều đối tượng hơn ở khu vực phía Tây, các đối tượng ở khu vực này cũng sẽ được hưởng nhiều dịch vụ, kỹ thuật cao trong CTCL TP. “Trong đợt sáp nhập này có 37 cán bộ của Trung tâm PCL Hà Đông được chuyển công tác về BV nên cũng gặp phải một số khó khăn trong bố trí cơ sở vật chất, cân đối tài chính tự chủ, nhiều cán bộ sẽ phải đi làm xa nhà, phải làm quen với việc điều trị bệnh nhân nội trú nhưng BV sẽ cố gắng để anh em ổn định tư tưởng và công việc trong thời gian ngắn nhất để không ảnh hưởng đến công tác PCL của TP” - bác sĩ Thường khẳng định.

Đưa kỹ thuật cao vào điều trị

Trong năm qua, kinh phí dành cho CTCL từ T.Ư bị cắt giảm so với năm 2015. Dù vậy, CTCL của TP vẫn nỗ lực tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó có việc xây dựng, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông PCL phù hợp với đặc thù của người dân sinh sống ở các vùng xa trung tâm TP, người dân di cư, người nhiễm HIV… để mọi tầng lớp Nhân dân hiểu và chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành y tế Hà Nội cung cấp. Đặc biệt, Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước thực hiện điều trị thuốc mới Bedaquiline cho người bệnh lao kháng thuốc nặng (tiền siêu kháng thuốc, siêu kháng thuốc) và áp dụng phác đồ ngắn hạn (từ 20 tháng trước đây xuống điều trị 9 tháng) trong điều trị người bệnh lao đa kháng thuốc.

Bác sĩ Phạm Hữu Thường cho biết, BV đã áp dụng Kỹ thuật cao GeneXpert để chẩn đoán lao, lao kháng thuốc. Đây là kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay, chỉ trong 2 giờ có thể trả lời có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc hay không với độ đặc hiệu chẩn đoán bệnh trên 95%. Bên cạnh đó, kỹ thuật PCR real-time giúp chẩn đoán nhanh, chính xác các ca bệnh lao ngoài phổi. Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính, X-Quang kỹ thuật số đưa việc chẩn đoán lao được chính xác, rút ngắn thời gian chẩn đoán. Đến nay, BV đã chuyển giao những kỹ thuật này xuống cơ sở, đồng thời thực hiện liên kết kết quả xét nghiệm qua mạng internet. Nhờ đó, 90% các đối tượng trong diện cần dự phòng bệnh lao (trẻ dưới tuổi tiếp xúc nguồn lây, người nhiễm HIV..) được tiếp cận với dịch vụ dự phòng lao

Việc kiện toàn mạng lưới sau khi sáp nhập được BV quan tâm. Đảm bảo hoạt động PCL tuyến cơ sở phù hợp vời từng vùng, từng khu vực song vẫn đúng, đầy đủ theo quy định của CTCL quốc gia, đồng thời tiến tới đồng nhất về tổ chức nhân lực, kỹ thuật, năng lực chẩn đoán điều trị của các đơn vị phòng chống lao 30 quận, huyện không để sự chênh lệch giữa các khu vực như hiện nay.

Ông Phạm Hữu Thường

Giám đốc BV Phổi Hà Nội

Nhận biết sớm dấu hiệu bệnh lao phổi

Lao phổi là bệnh lao phổ biến nhất trong các loại bệnh lao. Triệu chứng bệnh lao phổi không khó nhận biết, tuy nhiên rất nhiều người bệnh không chú ý phát hiện và điều trị sớm, đến khi bệnh diễn biến nặng mới đi khám. Do đó, người dân cần nắm rõ các biểu hiện sau để không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị và tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

Ho, ho ra máu: Người bệnh ho trên 2 tuần dùng thuốc kháng sinh nhưng không giảm ho thì có thể là do lao phổi. Ho ra máu cũng là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhưng có thể gặp ở 60% những người lao phổi thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp nên những người có triệu chứng ho ra máu.

Khạc đờm: Khạc đờm cũng như ho có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra mà các nguyên nhân thông thường nhất là viêm nhiễm. Do vậy, nếu sau khi dùng thuốc kháng sinh triệu chứng khạc đờm không giảm thì người bệnh có triệu chứng ho khạc trên 2 tuần phải nghĩ đến do lao phổi.

Gầy, sút cân: Gầy, sút cân là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân lao phổi. Những bệnh nhân gầy, sút cân không có nguyên nhân rõ ràng không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS,... có các triệu chứng ho, khạc đờm có thể đã mắc lao phổi.

Sốt, ra mồ hôi: Sốt là triệu chứng hay gặp ở người lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc gai gai lạnh về chiều. Trong lao phổi ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường gọi là ra mồ hôi trộm. Ngoài ra, còn kèm theo các triệu chứng khác như chán ăn, mệt mỏi.

Để phòng chống bệnh lao, biện pháp hữu hiệu nhất là cho trẻ sơ sinh đến các cơ sở y tế tiêm vaccine phòng chống lao. Đồng thời, thực hiện lối sống lành mạnh như ăn uống hợp lý, ngủ đủ, tập thể dục đều đặn và tránh xa các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá... Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết để phòng bệnh lao. Đối với người đã nhiễm lao cần thực hiện các biện pháp tránh lây cho người xung quanh như nghỉ làm hoặc nghỉ học và ngủ riêng trong vài tuần đầu điều trị, che miệng, đeo khẩu trang khi ra ngoài. Trẻ dưới 5 tuổi có tiếp xúc nguồn lây cần uống thuốc dự phòng lao. Đặc biệt, người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm quá trình trị liệu để tránh tình trạng lao kháng thuốc.

Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội TS.BS

Hoàng Văn Huấn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần