Ngày thứ 3 xét xử vụ tham ô tại PVP Land: Luật sư cho rằng Trịnh Xuân Thanh vô tội?

Thiên Bình – Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/1, các luật sư tiến hành bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Quá trình bào chữa tại tòa, các luật sư đều cho rằng bị cáo Thanh không có tội.

Theo luật sư Lê Văn Thiệp, Dự án Nam Đàn Plaza chỉ là một phần tài sản của DN nên không thể quy kết việc bán quyền sử dụng đất trái pháp luật. Ngoài ra, cũng không có việc bị cáo Thanh chỉ đạo hay có ý kiến với tất cả các thành viên HĐQT. Bởi, nếu có ý kiến, chỉ với bị cáo Đào Duy Phong - nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land và Nguyễn Ngọc Sinh - nguyên Tổng Giám đốc PVP Land. Trong khi, PVC chỉ sở hữu 28% cổ phần tại PVP Land nên không thể chi phối lại 72% còn lại.
 Bị cáo Đào Duy Phong tại phiên tòa.
Bên cạnh đó, mặc dù bị cáo Phong khai báo nhận được chỉ đạo của Thanh nhưng thông qua bị cáo Thái Kiều Hương. Bản thân Hương không phải thành viên HĐQT PVC hay PVP Land mà chỉ là cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương và Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vietsan. “Viện Kiểm sát cho rằng có sự bàn bạc. Vậy tại sao bị cáo Phong có thể chấp nhận sự chỉ đạo thông qua người khác? Chỉ đạo của cấp trên ít nhất phải bằng văn bản, không thể có chuyện nhận chỉ thị thông qua người khác. Thân chủ tôi không biết, không bàn bạc và không tác động gì đến việc này. Trịnh Xuân Thanh chỉ đồng ý chủ trương thoái vốn theo quy định của pháp luật, còn thực hiện như thế nào thì Phong và Sinh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - luật sư Thiệp nêu quan điểm.

Cũng theo luật sư Thiệp, PVP Land thực chất không phải là DN Nhà nước vì cổ đông Nhà nước không đủ tỷ lệ nắm giữ cổ phần chi phối từ 30% trở lên. Trong suốt quá trình chuyển nhượng họ đã tuân theo quy định của pháp luật. Vào thời điểm đó, thị trường bất động sản đang đóng băng nên việc họ quyết định thoái vốn là hoàn toàn đúng và DN có quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh, Nhà nước đã cho họ quyền này. Ngoài ra, để xác định rõ các hành vi trong vụ án này, cơ quan điều tra đã có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi không xác định được ai là người chỉ đạo đưa tiền.

Về số tiền 14 tỷ đồng để trong vali chuyển cho bị cáo Thanh, luật sư Thiệp cho rằng, không thể có chuyện 85 cọc tiền (tương ứng 85.000 tờ tiền) để vừa trong một cái vali xách tay. Bởi, chỉ cần 3 tỷ đồng mệnh giá 50.000 đồng cũng đã cần phải một chiếc vali rất lớn. Do vậy, chứng cứ vụ án không phù hợp… Từ những phân tích trên, luật sư Thiệp cho rằng, việc cáo trạng truy tố thân chủ của ông tội “Tham ô tài sản” là không có căn cứ và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Thanh không phạm tội.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, số cổ phần đó chỉ được coi như là hàng hóa chứ không phải vốn của PVP Land. Bởi, bản án phúc thẩm số 143/2017/HSPT ngày 15/3/2017 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần là vô hiệu và PVP Land phải làm thủ tục nhận lại cổ phần đã chuyển nhượng. Do vậy, khoản 49 tỷ đồng là của Công ty Minh Ngân.

Còn về khoản 14 tỷ đồng, xuyên suốt trong hồ sơ vụ án và thẩm vấn ở tòa đều cho thấy duy nhất bị cáo Hương là người có thể điều khiển hướng đi của đồng tiền. Trong khi, tại tòa bị cáo Sinh phủ nhận không nhờ người đưa 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh. Vì vậy, để xác định 14 tỷ đồng có đến tay bị cáo Thanh hay không chỉ từ bị cáo Hương. Ngoài ra, bị cáo Hương còn gọi điện cho Đinh Mạnh Thắng – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư & Thương mại dầu khí Sông Đà nhờ đưa 14 tỷ đồng cho Thanh. Bị cáo Hương cũng là người sắp xếp các nguồn tiền hợp nhau lại và cuối cùng là qua nhà của Thắng để đưa cho vợ bị cáo này…

Từ đó, luật sư Hùng cho rằng, không có chứng cứ nào chứng minh bị cáo Thanh nhận 14 tỷ đồng. Nếu HĐXX vẫn còn băn khoăn, luật sư Hùng đề nghị tiến hành thực nghiệm điều tra ngay tại tòa để tránh một bản án gây oan sai cho bị cáo Thanh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần