Các bị hại đề nghị tạo điều kiện để Dự án B5 Cầu Diễn tiếp tục được triển khai

Bài, ảnh: Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/10, phiên tòa xét xử bị cáo Châu Thị Thu Nga (52 tuổi, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group) và 9 bị cáo khác trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Dự án B5 Cầu Diễn tiếp tục với phần xét hỏi.

Tại phiên tòa, các bị hại đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện tiếp tục triển khai dự án để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng đã nộp tiền mua nhà.

Nộp tiền mua nhà trên xe ô tô

Tại tòa, 487/726 bị hại được Cơ quan điều tra lấy lời khai đều khẳng định, qua thông tin Công ty Housing Group đưa lên mạng internet về Dự án B5 Cầu Diễn thì nhiều khách hàng đã biết để tìm đến mua căn hộ. Khi thực hiện mua căn hộ, các khách hàng đều không biết công ty này chưa được cơ quan chức năng phê duyệt làm chủ đầu tư dự án, chưa được điều chỉnh quy hoạch và chưa được cấp giấy phép xây dựng. Thậm chí, phía Công ty Housing Group còn cung cấp thông tin về dự án cho khách hàng là các bản đồ quy hoạch sử dụng đất, các bản trích lục vị trí lô đất (sau này họ được biết là không có giá trị pháp lý - PV), mô hình dự án… Từ đó, khách hàng đã tin tưởng và đồng ý ký hợp đồng đặt cọc, góp vốn.
Bị cáo Châu Thị Thu Nga tại phiên tòa ngày 5/10.
Theo trình bày của bị hại Vũ Thị Phương L: “Khi đến Sàn giao dịch của Công ty Housing Group, ngoài nghe tư vấn thì chúng tôi cũng yêu cầu được xem hồ sơ pháp lý về dự án. Sau đó, họ mang tới một chồng hồ sơ rồi đưa ra khu vực xây dựng dự án đã có cọc nhồi, máy khoan, máy cẩu làm việc nên chúng tôi lại càng tin tưởng và mong muốn nộp tiền sớm để có một căn hộ ưng ý”. Bị hại L. cho biết thêm, trực tiếp được bị cáo Nguyễn Thị Tình - nguyên Giám đốc Sàn giao dịch Công ty Housing Group tư vấn. Đến ngày nộp tiền, thay vì làm thủ tục giao nhận tại trụ sở Công ty Housing Group thì chị L. được Tình yêu cầu nộp ngay trên xe ô tô của bị cáo này.

Tại phiên tòa này, nhiều nạn nhân của vụ lừa đảo cho rằng không biết quyền lợi của mình sẽ được đảm bảo đến đâu khi mà tiền đã nộp, nhà chưa thấy, còn các bị cáo thì đang phải ngồi trước vành móng ngựa. Vì vậy, khi được HĐXX cho trình bày nguyện vọng, hầu hết các bị hại đều mong muốn các cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện để Dự án B5 Cầu Diễn được tiếp tục triển khai do nhu cầu về nhà ở của khách hàng là thiết thực.

Công ty Housing Group không lừa đảo?

Tại ngày xét xử thứ 4, bị cáo Nga vẫn một mực khẳng định, trong 3 bước xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Dự án B5 Cầu Diễn đã thực hiện được bước đầu tiên là đổi chủ đầu tư. Cụ thể, ngày 23/11/2010, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 5801/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh chủ đầu tư công trình xây dựng nhà ở tại lô đất CT5 (thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội) từ Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội sang Liên danh Công ty HAIC và Công ty Housing Group.

Đối với các bước sau là căn cứ vào chủ đầu tư để lập dự án, quy hoạch phê duyệt dự án; cấp phép giao đất, giải phóng mặt bằng và xin cấp giấy phép xây dựng thì chưa thực hiện được. Thế nhưng, bị cáo Nga vẫn cho rằng, bản thân và Công ty Housing Group không có động cơ và mục đích lừa đảo khách hàng. “Chúng tôi khẳng định không lừa đảo khách hàng” - bị cáo Nga nói.

Lý giải về điều này, Châu Thị Thu Nga cho biết, ngay cả khi bị bắt tạm giam để điều tra vụ án, bị cáo vẫn làm đơn gửi cơ quan chức năng xin giữ nguyên pháp nhân của công ty để tiếp tục thực hiện dự án nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.

Trong một diễn biến khác, khi được HĐXX xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Tình vẫn tiếp tục phủ nhận về hành vi ký hợp đồng và giúp sức cho bị cáo Nga chiếm đoạt số tiền hơn 280 tỷ đồng của khách hàng.

Tuy nhiên, khi nghe lời khai của bị cáo Tình, nhiều bị hại đã vô cùng bức xúc. “Chính chị Tình là người tiếp vợ chồng chúng tôi khi đến giao dịch. Mặc dù chúng tôi không ký tá gì cả nhưng chính chị Tình là người hướng dẫn nộp tiền. Giờ ra tòa, bị cáo này phủ nhận tất cả như thế là trà đạp lên lòng tin của chúng tôi” - một bị hại bức xúc.