Nghệ An: Chính quyền loay hoay dẹp vàng tặc

Hồ Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy vị trí khai thác vàng trái phép ở khe Hốc, bản Văng Cuỗm, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương (Nghệ An) chỉ cách tỉnh lộ 543C vài trăm mét, cách trụ sở UBND xã chưa đầy 3 cây số nhưng chính quyền biết vẫn làm ngơ.

Ngày 8/1/2019, báo Kinh tế & Đô thị có bài “Đột nhập lãnh địa khai thác vàng trái phép ở miền Tây xứ Nghệ” phản ánh tình trạng khai thác vàng trái phép ở khe Hốc, bản Văng Cuỗm diễn ra suốt một thời gian dài và cách Ủy ban xã chỉ vài cây số nhưng không bị chính quyền xử lý.

Nhiều máy móc, phương tiện hiện đại được đưa vào khe Hốc để khai thác, đãi vàng nhưng chính quyền vẫn 'bình chân như vại'. 
Đề cập đến tình trạng khai thác vàng trái phép ở khe Hốc, bản Văng Cuỗm, ông Vi Văn Khiêm - Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh (huyện Tương Dương) thừa nhận, xã đã nắm được thông tin nhưng còn bận họp nên chưa thể xử lý.
Cũng theo lời ông Khiêm, hiện nay thực trạng khai thác vàng trái phép đang khiến chính quyền nơi đây đau đầu. Đặc biệt, việc khai thác vàng trái phép còn gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Thực tế nạn khai thác vàng trái phép vẫn hoạt động bất chấp sự ngăn cấm và truy quét của chính quyền xã và cơ quan chức năng.
“Địa bàn xã Yên Tĩnh được thiên nhiên ưu đãi về khoáng sản, đặc biệt là vàng nên thực trạng khai thác vàng trái phép luôn khiến chính quyền địa phương đau đầu. Dịp gần Tết, người dân địa phương chủ yếu là hộ nghèo, điều kiện kinh tế còn khó khăn thường đi làm vàng trái phép. Hiện nay, xã cũng rất quyết liệt trong việc chống vàng thổ phỉ. Cứ một tháng, chúng tôi có lập đoàn đi truy quét, đẩy đuổi tuy nhiên vẫn chưa thể triệt để. Thêm nữa, do địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên khi lực lượng công an, dân quân xã vào truy đuổi thì những người khai thác vàng đã rút người và đưa máy móc vào rừng sâu. Đến khi đoàn kiểm tra đi thì chúng lại quay lại và đưa máy móc vào khai thác vàng. Thậm chí có trường hợp, khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt giấy phép khai thác khoáng sản, họ mới trình giấy phép đó cho địa phương nhưng sau đó họ cũng “mất hút”, không thấy quay lại. Địa phương cũng chưa bàn giao đất cho đơn vị này”, vị đứng đầu chính quyền xã này nói.
Khi chúng tôi đề cập đến những giấy tờ, biên bản liên quan, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh thoái thác rằng: “Hiện cán bộ địa chính đang đi cơ sở nên chưa cung cấp được”.
Tình trạng khai thác vàng trái phép khiến khe suối trên địa bàn xã Yên Tĩnh ô nhiễm. 
Được biết, qua một số lần truy quét, đẩy đuổi, chính quyền đã nhiều lần thu giữ máy móc, phương tiện của các đối tượng vàng tặc nhưng sau một thời gian đâu lại vào đấy... Việc khai thác vàng ở đồi núi cũng đã khiến các khe suối nước hạ nguồn như: Huổi Nguyên, Chà Hạ, Khe Líp… và thượng nguồn dòng sông Lam đục ngầu. Thậm chí, có nơi, người dân không thể lấy nước suối để dùng.

Điều đáng nói, ngoài việc ảnh hưởng đến môi trường, mất trật tự an ninh thì việc vàng tặc sử dụng các hóa chất rất độc hại để đãi vàng sẽ để lại hậu quả khôn lường về môi trường, nguồn nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phùng Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: “Chúng tôi có một số anh em được cắm tại địa bàn xã Yên Tĩnh. Tuy nhiên, hiện tôi chưa nhận được báo cáo của về vấn đề này. UBND huyện đã có văn bản giao trách nhiệm cho xã Yên Tĩnh. Trách nhiệm đầu tiên để vàng tặc ngang nhiên hoạt động là do chính quyền địa phương không kịp phát hiện và báo cáo với cấp trên và cơ quan chuyên môn. Sau khi nắm được thông tin, Phòng sẽ báo cáo lên cấp trên đề xuất hướng xử lý dứt điểm, xử lý ngay, không thể để thực trạng này diễn ra mãi được”.

“Chúng tôi cũng nhiều lần tham mưu cho huyện ban hành nhiều văn bản kiểm tra, xử lý tình trạng này”, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Tương Dương nói và đưa ra một loạt văn bản liên quan đến xử lý khai thác vàng trái phép.