Nghệ An - Hà Tĩnh: Sẵn sàng phương án ứng phó với bão Podul

Hồ Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 30/8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ, cách cách Nghệ An 300km, Hà Tĩnh 250km.

Nghệ An sẵn sàng phương án di dời dân

Để ứng phó với cơn bão số 4, hiện nay Nghệ An đã kêu gọi gần 3.900 tàu thuyền vào neo đậu khu vực an toàn, các thuyền còn xa bờ đã nhận được thông tin và di chuyển tránh trú an toàn trong tối 28/8.

 Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Tỉnh Nghệ An cũng đã ra lệnh cấm biển; các  khu vực nuôi trồng thủy sản cũng đã chủ động các phương án phòng chống an toàn; sẵn sàng phương án di dời 26 nghìn người dân. Trong 2 đến 3 ngày tới ngành nông nghiệp chỉ đạo nhân dân thu hoạch trên 10 nghìn ha lúa hè thu chủ yếu ở vùng trũng. Kiểm tra các công trình thủy lợi đảm bảo khả năng vận hành tiêu úng hiệu quả.

Chiều 28/8, Chi cục Thủy sản Nghệ An đã phát bản tin thông báo qua máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF VX-1700 trên tần số 8058 kHz của Trạm bờ Chi cục, tất cả các tàu đang khai thác trên biển đã liên lạc được với Trạm bờ, nắm bắt diễn biến của cơn bão số 4 để chủ động phòng tránh. Không có tàu thuyền nào mất liên lạc.

Ngoài ra, Chi cục Thủy sản đã thông báo đến các xã, phường và các chủ hộ nuôi trồng thủy sản về dự báo thời gian, hướng di chuyển và cấp cơn bão số 4 yêu cầu các địa phương, các chủ hộ nuôi chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại xảy ra. Hiện, Nghệ An có diện tích nuôi trồng thủy sản gần 17.000 ha và 960 lồng nuôi.

Hà Tĩnh gấp rút thu hoạch lúa hè thu

Do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Trung Bộ hoạt động mạnh dần và khả năng còn ảnh hưởng hoàn lưu của bão, nên khoảng ngày 30/8-01/9/2019, các khu vực trong tỉnh dự báo sẽ có mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 27/8/2019 diện tích lúa hè thu trên toàn tỉnh mới chỉ thu hoạch được 15.990/43.522ha (đạt 36,7%), trong đó nhiều địa phương có diện tích lớn, như: Can Lộc 9.138ha, Thạch Hà 7.633ha, Cẩm Xuyên 8.961ha, nhưng diện tích thu hoạch còn thấp (Can Lộc đạt 16,4%, Thạch Hà 40,6%, Cẩm Xuyên 20,1%).

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão Podul và mưa lớn xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn lúa vụ hè thu đã chín, nhất là các địa phương có số diện tích lớn, diện tích ngoài đê La Giang, vùng thấp trũng dễ bị ngập úng. Tuyệt đối không để lúa hè thu đã chín bị ngập khi mưa, lũ xảy ra. Chủ động các phương án, điều kiện cần thiết để ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, mưa lũ có thể xảy ra trong thời gian tới.

 Hà Tĩnh gấp ruýt thu hoạch lúa hè thu trước bão. Ảnh: Nguyễn Oanh

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối họp với Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, UBND các huyện, thị xã ven biển nắm chắc số lượng, phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão Podul để chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; chủ động các phương án để kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng có phương án cứu hộ, cứu nạn để triển khai khi tình huống xảy ra và khi có yêu cầu.

Các Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam và Bắc Hà Tĩnh tổ chức kiểm tra, theo dõi chặt chẽ mực nước để chủ động vận hành hệ thống đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh, giảm thiểu diện tích ngập úng, nhất là diện tích lúa hè thu. Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, nhất là các hồ chứa nước theo phương án đã duyệt, vừa đảm bảo tích nước phục vụ sản xuất.

Sở NN&PTNT theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch lúa hè thu; kiểm tra, chỉ đạo các chủ đầu tư, địa phương đẩy nhanh tiến độ và có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ chứa nước đang thi công; chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động phương án tích nước các hồ chứa vừa đảm bảo an toàn hồ chứa, vừa đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

Các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra.