Nghệ An: Phạt hơn 840 triệu đồng trong hoạt động thương mại điện tử

Thanh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (28/4), thông tin từ Quản lý thị trường Nghệ An, từ đầu năm đến nay, lực lượng này đã xử lý được 30 vụ vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) với tổng giá trị thu phạt trên 840 triệu đồng.

 Đoàn kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Vinh
Cụ thể, trong thời gian từ 24/11/2020 đến 24/4/2021, lực lượng QLTT Nghệ An đã xử lý được 30 vụ vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, tổng giá trị thu phạt trên 840 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là thiết lập website TMĐT bán hàng mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo với Bộ Công Thương theo quy định; kinh doanh các loại hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ qua mạng xã hội Facebook, Zalo.
Nghệ An là một trong những tỉnh trong cả nước có tốc độ phát triển TMĐT tương đối nhanh, sôi động, có sự định hướng, quản lý Nhà nước chặt chẽ của các lực lượng chức năng.
Được biết, theo số liệu thống kê tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT - Bộ Công Thương chỉ số phát triển TMĐT tại Nghệ An xếp thứ 15 trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 500 website TMĐT bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng di động của các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp đã thực hiện nghĩa vụ thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định.
Đối với những lợi ích mà hoạt động TMĐT mang lại cho cả người mua và người bán, số lượng các tổ chức, cá nhân thiết lập website TMĐT bán hàng và tham gia các hoạt động kinh doanh hàng hóa trên các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội tăng nhanh theo thời gian. Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã coi TMĐT là kênh giao dịch, phân phối hàng hóa quan trọng.
Trong thời gian tới, Cục QLTT Nghệ An sẽ tiếp tục tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thị trường trong hoạt động thương mại điện tử. Chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh các loại hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm an toàn thực phẩm, gian lận thương mại trên địa bàn.
Bên cạnh việc kiểm tra kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và người tiêu dùng về tác hại của việc buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; việc lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm đối với phát triển kinh tế, xã hội; tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng…