Nghề bạc và bạc với nghề

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối cùng thì VFF đã ra án kỷ luật đối với vở bi hài kịch trên sân Thống Nhất mà diễn viên chính là đội bóng Long An.

Như thường lệ, phản ứng của dư luận là kẻ khen nghiêm khắc, người chê quá nghiệt ngã. Nhưng đứng trên góc độ của những nhà quan sát, bóng đá Việt Nam cần những cú sốc để trở lại với trật tự mà tất cả chúng ta mong muốn.

VFF đã quyết định cấm thi đấu 2 năm với 2 cầu thủ Quang Thanh và Minh Nhật của Long An. Cựu Chủ tịch Võ Thành Nhiệm và HLV Ngô Quang Sang bị cấm hành nghề 3 năm. Đội bóng Long An bị phạt tiền 100 triệu đồng.
 Thủ môn Minh Nhựt với hành vi phi thể thao trận TP Hồ Chí Minh - Long An
Vẫn biết là Long An và các cá nhân liên quan sẽ phải trả giá đắt vì sự thiếu chuyên nghiệp của mình, nhưng ít người nghĩ cánh cửa chuyên nghiệp sẽ đóng với các cá nhân vi phạm. Bởi lẽ, với 2 cầu thủ đã ngoài 30 tuổi như Quang Thanh và Minh Nhựt thì họ gần như đã kết thúc sự nghiệp của mình bằng bi kịch. Thế nhưng, hậu quả của những phút giây lên đồng thiếu kiểm soát còn lớn hơn nữa khi các cầu thủ đã tự đánh mất cần câu cơm của mình. Đến giờ, bản thân cầu thủ Minh Nhựt mới sực nhớ là mình còn cả gia đình cần đồng lương của bóng đá. Mẹ anh lâm bệnh nặng, vợ không nghề nghiệp và tất cả đều trông đợi vào khoản thu nhập từ bóng đá. Và với án phạt vừa được đưa ra, Minh Nhựt coi như phải tìm việc khác. Đồng đội của Minh Nhựt là Quang Thanh cũng quyết định giã từ sự nghiệp.

Nhiều người bỗng xót thương cho hoàn cảnh của các cầu thủ vì bỗng dưng mất nghiệp. Họ trách nghề bóng đá bạc khi đội bóng đổ hết lỗi lên cầu thủ. Họ cũng trách VFF vô tình khi không đánh giá cầu thủ với tư cách là quân cờ. Nhưng nhìn đi nhìn lại, các cầu thủ vốn đã trên 18 tuổi rất nhiều phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Bản thân họ trách nghề bóng đá quá bạc vì sau một đêm có thể mất tất cả. Nhưng chính họ trước tiên đã bạc với nghề vì đã phản bội lại tôn chỉ của bóng đá. Quay lưng lại với đối phương, đá bóng với tinh thần bạc nhược nghĩa là quay lưng lại với người hâm mộ và chính nghề nghiệp của mình.

Không thể mang một trái tim vô cảm đến sân chơi bóng đá, nhưng luật chơi cần sự lý tính. Hơn thế nữa, chấp nhận xuê xoa, bỏ qua cái xấu thì giải đấu sẽ vỡ. Các đội bóng và cầu thủ của mình sẽ tiếp tục mang sự nghiệp dư vào sân chơi chuyên nghiệp. Họ sẽ tiếp tục mắc lỗi và phản ứng tiêu cực bởi niềm tin rằng mình vẫn có bảo bối bảo vệ.

Bóng đá Việt Nam vốn còn đầy rẫy tiêu cực, hạn chế. Sự hạn chế đó xuất phát từ việc bản thân dư luận và các nhà điều hành luôn dễ dàng cảm thông với những lỗi lầm dù rất nghiêm trọng. Nói đâu xa, nạn bạo lực sân cỏ, phản ứng trọng tài xuất phát từ việc án phạt không nghiêm. Đặc biệt, các đội bóng khi có cầu thủ phạm sai lầm thì thường không rút kinh nghiệm mà luôn tìm cách giảm án. Họ sẵn sàng gây áp lực lên VFF nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Và cả dư luận cũng không nhất quán với cuộc đấu tranh nhằm chuyên nghiệp hóa giải đấu.

Vậy mới nói, bản án và cách chúng ta phản ứng với bản án dành cho cầu thủ Long An là thuốc thử với khát vọng chuyên nghiệp hóa nền bóng đá nước nhà. Nếu VFF đầu hàng trước sức ép, nền tảng của giải đấu sẽ sụp đổ. Nếu VFF dám đương đầu với sóng gió, khẳng định quyết tâm của mình thì làng bóng đá sẽ có cho mình bài học lớn.

Đừng trách nghề bóng đá bạc khi cầu thủ quá bạc với nghề. Bởi nói cho cùng, bóng đá cũng như cuộc sống có nhân, có quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần