Nghề công tác xã hội: Nhiều cơ hội việc làm

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định của thế giới, cứ 30 người dân sẽ cần một nhân viên công tác xã hội (CTXH).

Tuy nhiên, Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn này, vì thiếu đội ngũ nhân viên CTXH được đào tạo chuyên nghiệp.
Nhân viên CTXH là nghề tiếp xúc trực tiếp với những đối tượng khó khăn, yếu thế, giúp họ giải quyết vấn đề. Đại học (ĐH) Thủ đô Hà Nội đã đào tạo được 6 khóa ngành CTXH hệ CĐ. Bà Vũ Thị Thanh Nga – giảng viên CTXH của trường cho biết, năm học 2017 – 2018, trường bắt đầu đào tạo ngành CTXH trình độ ĐH để cung cấp nguồn nhân lực cho Thủ đô. Đặc biệt là mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020, phấn đấu mỗi xã, phường có một cộng tác viên CTXH.
 Ảnh minh họa
Hiện nay, cơ hội việc làm của những người học ngành này rất rộng. “80% sinh viên CTXH tốt nghiệp hệ CĐ làm việc đúng nghề, số còn lại làm công việc khác có liên quan đến ngành được học” - bà Nga thông tin. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở các trung tâm bảo trợ xã hội; phòng LĐTB&XH quận, huyện; trung tâm CTXH; trung tâm dưỡng lão; các viện nghiên cứu về xã hội... Ngoài ra, còn nhiều cơ hội việc làm với thu nhập cao, đó là những tổ chức phi chính phủ về hỗ trợ cộng đồng; hệ thống trung tâm tham vấn tâm lý, hỗ trợ trẻ khuyết tật, tư vấn gia đình, hỗ trợ bạo lực gia đình và giới...

Vì CTXH là nghề thực hành trực tiếp, nên ĐH Thủ đô Hà Nội xây dựng khung chương trình đào tạo tuân thủ đầu ra về kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề. Trường chú trọng cung cấp lượng kiến thức về tâm lý, văn hoá, luật pháp về các chính sách an sinh xã hội, hành vi con người và môi trường xã hội. Sinh viên được đào tạo kỹ năng thông qua thời lượng thực hành chiếm tỉ lệ lớn. Năm học thứ nhất, được thực hành nội dung các môn học tại Trung tâm Tham vấn học đường và can thiệp sớm của trường. Năm học thứ hai và ba, đến trung tâm, phòng CTXH ở bệnh viện, phòng tham vấn học đường... để kiến tập CTXH với cá nhân và nhóm. Năm học cuối, với 9 tuần thực tập tại xã, phường, sinh viên sẽ xây dựng và thực hiện một dự án phát triển cộng đồng.

CTXH là nghề thú vị vì được tiếp xúc với nhiều nhóm đối tượng khách hàng. Nhưng người làm nghề cũng gặp nhiều thách thức, vì đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương về tâm lý. Để làm tốt công việc, ngoài lòng nhân ái, nhân viên CTXH phải có kỹ năng nghề, kinh nghiệm mới giúp được khách hàng vượt qua trở ngại.