Nghề dệt thổ cẩm làng Teng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nghề dệt thổ cẩm làng Teng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự tôn vinh nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc ở địa phương, đồng thời mở hướng trong việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm.

Tối 25/9, UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) long trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa Thể Thao & Du lịch về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc H’rê ở làng Teng, xã Ba Thành là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Nghề dệt thổ cẩm làng Teng được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia.
Đây là sự tôn vinh nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc ở địa phương, đồng thời mở hướng trong việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm để phát triển du lịch, cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Nằm phía dưới chân đèo Lâm, bên dòng sông Liêng hiền hòa, từ bao đời nay, bằng đôi tay khéo léo của mình, người dân nơi đây đã dệt những tấm thổ cẩm với sắc màu phong phú và trở thành ngôi làng duy nhất ở Quảng Ngãi có nghề dệt thổ cẩm – làng Teng.
 Sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm làng Teng.
So với các dân tộc thiểu số khác ở Quảng Ngãi thì đời sống văn hóa tinh thần của người Hre rất phong phú và đa dạng. Khi sinh ra đã thấy người mẹ bên khung dệt, miệt mài tuốt từng sợi vải để làm nên tấm khố, khăn choàng. Người con gái lớn lên lại được mẹ dạy cho cách se vải, nhuộm màu. Và cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghề truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của làng Teng người H’rê.
Nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng là mô hình kinh tế có từ lâu đời. Mỗi sản phẩm thổ cẩm của dân tộc H're làng Teng không chỉ là sản phẩm hàng hóa thông thường mà còn là sản phẩm tinh thần để người thợ dệt gửi gắm tâm hồn, tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình.