Nghề Điện tử công nghiệp nhiều triển vọng

Ánh Ngọc - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tại, có rất nhiều DN đặt hàng tìm sinh viên Điện tử công nghiệp (ĐTCN) để tuyển dụng. Thông tin này được ông Nguyễn Xuân Việt - Trợ lý thực hành khoa Điện tử viễn thông, trường Cao đẳng nghề (CĐN) Bách Khoa Hà Nội cho hay.

 Ảnh minh họa
Trần Xuân Nam đang làm việc tại Công ty Quản lý và khai thác tòa nhà PMC, vừa nhận bằng tốt nghiệp nghề ĐTCN, trường CĐN Bách khoa Hà Nội cách đây 10 ngày. Trở lại thăm trường cũ, Xuân Nam chia sẻ: "Khi học và làm nghề ĐTCN, tôi đã khám phá ra nhiều điều thú vị. Ngay đợt thực tập năm ngoái tại Cục Tần số vô tuyến điện, tôi đã cải tiến phần cảm biến giúp tiết kiệm điện năng chiếu sáng ở những nơi không cần thiết. Sau một năm thực hiện, đã tiết kiệm cho tòa nhà gần 100 triệu đồng tiền điện".
Hiện nay, với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, điện tử có mặt ở khắp mọi nơi, tiêu biểu là điện thoại di dộng. Để bắt kịp xu hướng, ngành ĐTCN có vai trò vô cùng quan trọng. Ông Nguyễn Xuân Việt - Trợ lý thực hành khoa Điện tử viễn thông, trường CĐN Bách Khoa Hà Nội cho biết: ĐTCN là một khối trong ngành điện tử. Sinh viên (SV) được đào tạo nhiều môn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như tin học, điện, cơ khí... SV cũng được đào tạo các kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của DN, chẳng hạn kỹ năng về điện tử, công nghệ thông tin, lập trình...

Trong thời kỳ hội nhập, các DN liên quan đến điện tử đều cần nhân lực đã học nghề ĐTCN. Do đó, cơ hội việc làm của SV ĐTCN rất cao. Hầu như ngay khi tốt nghiệp, sinh viên đã có việc làm. Hiện nay, sinh viên ĐTCN sau khi tốt nghiệp trường CĐN Bách khoa Hà Nội hoàn toàn có thể làm việc tại các công ty viễn thông như FPT, VNPT, Mobifone hoặc những DN liên quan đến đồ dùng điện tử như Samsung, LG với các vị trí phù hợp với năng lực bản thân. Để làm tốt nghề ĐTCN, ngoài yếu tố đam mê, yêu cầu sinh viên phải thu được lượng kiến thức rất rộng nên cần có sự chăm chỉ và chịu khó. Vì thế, trường CĐN Bách Khoa Hà Nội chú trọng quản lý thực hành nhiều. Do nhu cầu nhân lực cao nên mức lương của người làm nghề CNĐT ở các DN lớn rất cao, trung bình dao động 10 - 12 triệu đồng/tháng.

Tuy ĐTCN đang hot nhưng hiện nay học sinh chưa quan tâm nhiều đến nghề này. Ông Việt cho rằng, có thể nhà trường truyền thông chưa tốt. Một phần cũng bởi, thông thường điện - điện tử được ghép vào một ngành nhưng bên trường CĐN Bách khoa Hà Nội tách riêng thành hai nên học sinh chưa biết học CNĐT như thế nào. Nhưng, thực sự đây là một nghề rất thú vị bởi những gì mọi người nhìn thấy hàng ngày đều liên quan đến ĐTCN và cơ hội việc làm rất lớn.