Nghề giáo đương đầu với cách mạng công nghiệp 4.0: Tích hợp chuẩn nghề và vị trí việc làm

Oanh Trần (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đào tạo sư phạm thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 là một thách thức không nhỏ.

Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Lê Kim Long – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tác động thế nào đối với đội ngũ nhà giáo?
- Cách mạng công nghiệp 4.0 với nội hàm căn bản nhất là “sự kết nối”. Internet bùng nổ đã giúp kết nối được toàn bộ không gian của hệ thống giáo dục Việt Nam. Giáo viên, học sinh dễ dàng tham khảo được nhiều tài liệu tốt để chia sẻ cùng nhau và vận dụng vào thực tế. Những người làm nghề dạy học cần phải lưu ý, mượn ảnh hưởng của nó để khai thác điểm mạnh và hạn chế tác động tiêu cực trên cơ sở đào tạo nghiêm túc, minh bạch.
Vậy, chúng ta đào tạo giáo viên theo tiêu chí và tiêu chuẩn nào, thưa ông?
- Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo ĐH và cao đẳng, kể cả hoạt động đào tạo giáo viên đã được Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường công bố từ năm 2010 nhưng mới chỉ thực hiện ở mức độ cam kết. Bộ GD&ĐT đã công bố chuẩn nghề nghiệp giáo viên, 7 năm qua được sử dụng để đánh giá nhưng chưa hiệu quả. Do vậy, cần phải xây dựng và công bố ngay chuẩn năng lực đầu ra đối với đào tạo giáo viên. Tiếp đến là chuẩn năng lực nghề nghiệp cho giáo viên mới vào nghề (5 – 10 năm), giáo viên lành nghề (10 – 20 năm) và sau đó là giáo viên cốt cán có sức ảnh hưởng và lan tỏa. Bộ Nội vụ cũng đã quy định xếp hạng và hạng vị trí việc làm của đội ngũ giáo viên. Chúng ta nên sử dụng tích hợp lẫn nhau và để giáo viên phấn đấu theo chuẩn, tổ chức xếp hạng và nâng hạng.
Chuẩn đầu ra của đào tạo giáo viên sẽ thay đổi như thế nào?
- Chuẩn trước đây và chuẩn sắp tới đều đề cập đến người giáo viên có đủ kiến thức cùng các năng lực (thực hành nghề nghiệp, thực hiện kiểm tra đánh giá, thích ứng và đương đầu với thách thức nghề nghiệp). Chương trình giáo dục mới nhấn mạnh đào tạo phát triển năng lực học sinh các em phải làm, thực hành để có kỹ năng. Muốn làm được như vậy, chương trình phải bớt chiều sâu về kiến thức hàn lâm.
Giáo viên thời kỳ cách mạng  công nghiệp 4.0 cũng cần có chuẩn về công nghệ thông tin và ngoại ngữ?
- Chúng ta đang lãng phí rất nhiều thứ. Chẳng hạn yêu cầu giáo viên phải đủ năng lực tin học như chuyên gia, giỏi ngoại ngữ ngang với giảng viên dạy tiếng nước ngoài, vậy thời gian đâu để phát triển chuyên môn? Tôi nghĩ, người thầy giáo cần có kiến thức vững và vận dụng nó để dạy học sinh biết cách chiếm lĩnh tri thức. Giáo viên có đủ năng lực ngoại ngữ để tìm tòi, khai thác những tư liệu gốc bằng tiếng nước ngoài thì càng tốt. Còn kiến thức công nghệ thông tin cần để dạy học và khai thác tư liệu chứ không phải để “phô diễn”.
Ông có kiến nghị gì thêm đối với chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên hiện nay?
- Theo tôi, chế độ đãi ngộ cho giáo viên phải đồng bộ với các ngành được hưởng ưu tiên. Tuy nhiên, ngân sách có hạn trong khi cả nước với hơn 1 triệu giáo viên, làm khó cho các cấp quản lý. Ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục chưa cao, chi trả và bao cấp từ mầm non đến ĐH, miếng bánh chia nhỏ nên khó đào tạo “ra ngô, ra khoai”. Vì thế, Nhà nước cần có lộ trình sớm ngừng đầu tư cho giáo dục ĐH, thực hiện chính sách phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS với khoảng 40% đi học nghề. Ngân sách cho giáo dục được dồn để đầu tư từ lớp 9 trở xuống. Lúc đó, mỗi lớp học chỉ khoảng 20 – 30 học sinh, giáo viên (được đãi ngộ tốt hơn và có năng lực giáo dục cao hơn), dạy dỗ khoa học sẽ đào tạo ra những người có năng lực thực sự.
Xin cảm ơn ông!

Sinh viên ngành sư phạm, Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường.   Ảnh: Công Hùng