Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên: “Muốn hạn chế cỏ dại hãy trồng nhiều hoa”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong ồn ào những scandal ảnh phản cảm của giới showbiz Việt và những tranh cãi xung quanh nó, công chúng càng quan tâm tới Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động nhiếp ảnh mà Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đang "chắp bút".

Bởi trong đó sẽ bổ sung một số vấn đề về việc phát tán ảnh trên mạng, chụp và phát tán ảnh khỏa thân. Ở góc độ của "đối tượng được hướng tới" của dự thảo này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên bày tỏ khá thẳng thắn quan điểm của mình.

Showbiz Việt gần đây như “loạn” vì những scandal ảnh nude hay ảnh “lộ hàng” của người mẫu, diễn viên. Anh nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Tôi cho rằng đây là một lối PR rất rẻ tiền, chỉ cần tải lên mạng sẽ lập tức nổi tiếng, chẳng tốn công tập luyện tài năng như các nghệ sĩ đích thực. Mà lại thành công! Giống như Ngọc Quyên, sau bộ ảnh "bảo vệ môi trường", được mời tham gia nhiều show diễn hơn. Điều đó lại vô tình làm cho các Ngọc Quyên "phẩy", Ngọc Quyên "hai phẩy"… thấy vậy mà bắt chước. Vì thế mà gần đây có vô số những bộ ảnh xuất hiện trên mạng một cách thô thiển. Rồi cách làm đó lại được giới truyền thông vô tình tiếp tay, chứ không chỉ lỗi tại người mẫu! Những sản phẩm phi nghệ thuật này sẽ kéo theo đằng sau nó hệ lụy cực kỳ nguy hiểm: Hạ thấp nhân phẩm, hạ thấp cả thẩm mỹ của con người, chỉ để dục vọng phát triển mà thôi!

Anh nói gì khi những tác phẩm của anh có mặt trên trang web “đen”?

- Khi tác giả đã công bố tác phẩm của mình trên internet rồi thì không thể kiểm soát được tác phẩm của mình nữa, ai cũng có thể "ctrl C", "ctrl V"... để có nó. Nhưng tôi nghĩ ảnh khỏa thân nghệ thuật, dù có ở đâu, nó vẫn nổi trội, vẫn toát ra vẻ chân thiện mỹ. Thế nên tôi không bận tâm lắm về việc này.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động nhiếp ảnh đang được Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm xây dựng. Anh có hy vọng văn bản này chấn chỉnh được thực trạng bát nháo ảnh và là chỗ dựa cho nghệ sĩ nhiếp ảnh hành nghề?

- Thực ra 4 - 5 năm về trước, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh TP. HCM đã rục rịch tổ chức hội thảo để mở đường cho ảnh khỏa thân nghệ thuật. Tuy nhiên, điều này cũng vấp phải nhiều vấn đề, nhất là vấn đề hành chính, nên các nhà quản lý văn hóa lại chùn tay. Hội nghề nghiệp, những người làm nghề muốn mở một con đường cho ảnh khỏa thân nghệ thuật ra trước công chúng một cách đàng hoàng. Bằng chứng là cuốn sách ảnh của tôi được trao tặng giải thưởng, nghĩa là Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam rất trân trọng tác phẩm mang tính hướng thiện nhưng nhà quản lý lại ngại. Chính vì thế đến bây giờ mới lại đưa ra chuyện dự thảo thông tư. Vấn đề này không mới, tôi đã nghe phong thanh cách đây 2 - 3 năm rồi... Nghệ thuật là vô cùng, thế nhưng nghệ thuật không phải là một phép toán để đi tìm giới hạn của những đường cong, chính vì thế nên khó có một văn bản cụ thể phân định rạch ròi cái giới hạn vô hình giữa nude nghệ thuật và phi nghệ thuật để định hướng và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của mọi người. Tôi không tin có văn bản nào có thể chấn chỉnh hoặc hạn chế được loại ảnh "lộ hàng" này. Tôi quan niệm rằng, nếu muốn dẹp bớt cỏ dại nên trồng nhiều hoa, nhưng chúng ta không dám đưa hoa ra trồng, tưới tắm cho hoa, khuyến khích hoa mọc thì cỏ dại mọc tràn lan. Đến khi cỏ nó mọc sắp hết vườn mới tá hỏa làm Thông tư…

Dự thảo Thông tư đó tính cả đến việc ký hợp đồng giữa nhiếp ảnh gia và gười mẫu khi chụp nude. Anh có cho rằng việc này là cần thiết?

- Thật ra việc này chẳng phải chờ khi Thông tư ra mới làm, mà tôi đã làm cách đây 5 - 7 năm rồi. Tôi luôn làm theo pháp luật, luôn có sự đồng ý giữa người mẫu lẫn người chụp, thỏa thuận công bố như thế nào, công bố ở đâu, công bố thấy mặt hay không thấy mặt... Tôi và người mẫu đã làm một hợp đồng và cất trong ngăn kéo. Nhưng làm chỉ để hai bên thỏa thuận trên giấy trắng mực đen thế thôi chứ không bao giờ tôi đem cái này ra để công bố. Đó là bí mật riêng tư, bí mật về nhân thân người mẫu, tôi phải bảo vệ và tôn trọng họ.

Nhưng nếu nhà quản lý yêu cầu trong hồ sơ xin cấp phép triển lãm phải có bản hợp đồng đó, anh tính sao?

- Tôi tin điều này sẽ không có trong  dự  thảo Thông tư. Vì nếu quản lý chặt như thế sẽ chẳng có cuộc triển lãm nào, chẳng có bông hoa nào nở trong vườn cỏ dại ấy đâu! Tâm lý của người Việt luôn luôn ngần ngại trước vấn đề này, nên những thủ tục đó là “bắt chẹt” và làm cho những tác phẩm khỏa thân nghệ thuật nằm trong ngăn kéo mà không được đưa ra ngoài ánh sáng.

Xin cảm ơn anh!