Nghề sửa ô tô đắt khách

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế phát triển, hiện nay nhiều gia đình ở các đô thị lớn đã tậu xe hơi làm phương tiện di chuyển. Đi cùng với đó nghề sửa chữa ô tô tại các trường cao đẳng đang thu hút nhiều học sinh đăng ký theo học.

 Ảnh minh họa
Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Quang Tuyến cho biết, ông đã có 22 năm gắn bó với nghề Công nghệ ô tô thông qua việc quản lý, đào tạo. Nghề nặng nhọc này đòi hỏi ở người làm sự cẩn trọng rất cao, tỉ mỉ và chính xác.

Hiện nay, khi Tập đoàn Vingroup đã sản xuất được xe ô tô đồng nghĩa với ngành công nghiệp xe hơi trong nước đang có tương lai phát triển. Điều này kéo theo thị trường việc làm đang cần nhiều hơn những kỹ sư ngành Công nghệ ô tô, thợ sửa chữa xe hơi. Để sinh viên học ra trường có thể làm việc được ngay, đa số các trường đào tạo nghề Công nghệ ô tô đều thiết kế thời gian thực hành lên tới 70%, chủ yếu diễn ra tại xưởng để sinh viên có cơ hội cọ xát thực tế. Sinh viên còn được trang bị kỹ năng tháo, lắp, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các cơ cấu và hệ thống cơ bản trong ô tô; bảo dưỡng các hệ thống điều khiển bằng điện tử, khí nén và thủy lực trong ô tô. Để phục vụ cho quá trình sửa chữa xe, sinh viên Công nghệ ô tô còn được thực hiện những công việc của người thợ nguội, thợ hàn, thợ điện…

Chia sẻ về cơ hội việc làm cho sinh viên nghề Công nghệ ô tô, ông Tuyến cho biết, họ hoàn toàn có cơ hội làm việc trong lĩnh vực lắp ráp ô tô. Khi trong trường nghề đã trang bị các kỹ năng cần thiết, người học có thể sửa chữa ô tô, làm những công việc ở trạm sau bán hàng của công ty lớn. Với đầy đủ những hiểu biết về cơ cấu và kết cấu ô tô, người học đi làm nhân viên tiếp thị bán mặt hàng này. Do đặc thù nghề Công nghệ ô tô đòi hỏi phải có tư duy kỹ thuật, vất vả và nặng nhọc, vì thế ngoài niềm đam mê, người làm nghề cần có đạo đức nghề nghiệp, lập trường vững, kiên trì và đặc biệt có sức khỏe tốt thì mới thành công.