Nghệ thuật bóng cửa Xuân Bách

Bài, ảnh: Vũ Minh Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều năm nay, bóng cửa vẫn được xem là môn thể thao chỉ dành cho giới thượng lưu ở châu Âu, nhưng sau khi du nhập vào Việt Nam, đã trở thành môn thể thao không thể thiếu cho những cụ ông, cụ bà ở làng Xuân Bách (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Hàng ngày, cứ từ 15 giờ đến 18 giờ, những cụ ông, cụ bà độ tuổi từ 60 đến 80 ở làng lại bước vào những trận đấu bóng cửa sôi nổi.

Sức nóng của những trận đấu trí

Đã thành thông lệ, 15 giờ chiều hằng ngày, dù mưa hay nắng, các già ở làng Xuân Bách vẫn ra sân chơi bóng cửa. Dụng cụ dùng để chơi là chiếc búa trông giống cái vồ, cái túi đựng 10 trái bóng lớn. Thoạt đầu xem các trận đấu bóng dễ nghĩ ngay đến những trận golf hoặc bi-a, tuy luật chơi có phần khó hiểu. Vậy nhưng các cụ vẫn mê mải với môn thể thao này.
 Đội bóng của làng Xuân Bách thi đấu trên sân của làng.
Mỗi trận đấu diễn ra khoảng 20 - 30 phút với 10 người cùng thi đấu, chia làm 2 đội, mỗi đội 5 thành viên, mỗi người một quả bóng. Trên khoảng sân làng rộng được chôn 3 gôn bằng sắt ở 3 góc với chiều cao, rộng gần 20cm và một cột cờ ở giữa sân. Đánh bóng qua một cửa được tính 1 điểm, đánh trúng cột ở khu vực giữa sân là đích cuối cùng được tính 2 điểm, mỗi người trong đội hoàn thành từng lượt chơi với tổng cộng 5 điểm. Để dành 5 điểm và hoàn thành cuộc chơi không đơn giản. Thanh niên nhanh nhẹn, mắt sáng đánh bóng vào gôn còn khó, thế mà các cụ cao niên vẫn đánh bóng lọt qua từng ô sắt.

Cụ Nguyễn Thị Lượng - người nổi tiếng với đôi bàn tay khéo, mỗi đường bóng tung ra đều có độ chính xác cao. Mỗi khi trái bóng đi đúng ý, cụ Lượng ăn mừng với một động tác ngộ nghĩnh là hơ hơ cây gậy sắt lên trời rồi lắc người như vũ điệu Samba. Tuy chỉ gói gọn trong phạm vi một trận đấu làng, nhưng trận nào cũng hồi hộp, kịch tính. Tôi hỏi cụ Lượng về điểm ấn tượng của bộ môn bóng cửa, thì được “vận động viên đầu bạc” này cho biết: “Không thể lý giải được tại sao chỉ với quả bóng tròn và cái vồ, cách chơi rất đơn giản lại có thể khiến người ta vui đến vậy”.

Nghiện bóng cửa

Nhìn các cụ già đôi chân thoăn thoắt, đôi tay nhanh nhẹn, đôi mắt chăm chú ngắm bóng, không ai nghĩ các cụ đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”. Cụ Phùng Văn Nghiên, 80 tuổi chia sẻ: “Hôm nào không chơi là hôm ấy chân tay bứt rứt, khó chịu”. Môn thể thao này có sức cuốn hút đặc biệt bởi động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển giống như công việc lao động hằng ngày của người nông dân. Một số cụ vì lý do tuổi già, sức yếu không thể tham gia, nhưng chiều nào cũng ra sân để cổ vũ, như thấy chính mình nhập cuộc. Cụ ông Nguyễn Văn Thái, 79 tuổi chia sẻ: “Chân tay tôi tê nhức, mắt hoa, sợ ánh nắng nên không thể chơi được. Nhưng chiều nào tôi cũng ra đây xem, thấy các cụ chơi, khỏe ra, tôi cảm thấy vui lắm”.

Mấy năm gần đây, phong trào chơi bóng cửa bung nở ở huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Nói đến Sóc Sơn, mọi người sẽ nhớ ngay đến Câu lạc bộ bóng cửa làng Xuân Bách bởi những thành tích ấn tượng mà họ gặt hái được trong các cuộc so tài. Ông Nguyễn Văn Tý - Trưởng thôn Xuân Bách cho biết: “Không cứ ngày hội các cụ mới chơi bóng cửa, từ nhiều năm nay, chiều nào các cụ cũng ra sân tổ chức thi đấu, tạo nên phong trào chơi bóng cửa sôi nổi ở địa phương. Không chỉ dừng lại ở trong thôn, các cụ thường xuyên mời đội bóng ở các xã, huyện lân cận sang giao lưu. Khi các cụ thi đấu giải bóng cấp huyện, thôn đều hỗ trợ câu lạc bộ một phần chi phí để khích lệ tinh thần”.

Rời làng Xuân Bách lúc khép lại một ngày thi đấu, các cụ trở về nhà bên con cháu. Ở tuổi “gần đất xa trời”, bóng cửa giống như một phương thuốc giúp các già ở làng Xuân Bách luôn sống vui, khỏe, có ích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần