“Nghệ thuật” làm dâu

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mối quan hệ giữa mẹ chồng với nàng dâu là một phần quan trọng quyết định sự bền vững và êm ấm của gia đình. Nhưng để tạo ra sự đồng cảm, rất cần thiện chí trong cách ứng xử từ hai phía.

Chị là một công chức nhà nước, hài lòng với công việc mình yêu thích, nhưng với người mẹ chồng có tiếng sắc sảo của chị, công việc chị đang làm “không đáng đồng xu”. Và những ác cảm của bà với con dâu cũng xuất phát từ chỗ chị không chịu nghe lời bà, bỏ công việc ấy để về phụ bà buôn bán.
 Ảnh minh họa
"Người ta còn phải đi thuê địa điểm để làm ăn buôn bán, đằng này mình đã có sẵn lợi thế nhà mặt đường, lại ở tuyến phố trung tâm, việc kinh doanh đang tiến triển thuận lợi, vừa làm vừa chơi mỗi ngày cũng kiếm được tiền triệu... Vậy chị còn mong muốn gì hơn nữa? Chị đi làm cách nhà cả chục cây số mà lương có vài triệu bạc liệu có đủ tiền xăng xe không, con cái ai trông nom? Hay là chị ham hố cái mác công chức nhà nước? Thời buổi này việc gì làm ra nhiều tiền của thì hãy coi trọng chứ có danh vọng mà nghèo kiết xác thì cũng chẳng để làm gì...”. Những câu nói trì triết, mỉa mai, rất khó nghe ấy cứ lặp đi lặp lại hàng ngày. Nhưng chị vẫn im lặng.
Sáng sáng, dắt xe làm, chị vẫn lễ phép chào mẹ chồng cho dù bà mặt nặng mày nhẹ chẳng thèm đáp lại. Mọi người xung quanh cảm thấy chạnh lòng, bất bình thay cho chị. Có người khuyên chị đừng có yếu đuối cam chịu để mẹ chồng lấn át, bắt nạt, phải đấu tranh cho quyền lợi và khẳng định vị thế của bản thân bởi mẹ chồng có nuôi chị cả đời đâu mà can thiệp vào tương lai, sự nghiệp của chị.
Nghe những điều ấy chị chỉ cười. Dù có những bức xúc trong lòng song chị không than phiền, kể lể với mọi người xung quanh ngay cả khi người ta tỏ ra cảm thông, chia sẻ cùng chị. Là người có học vấn, bản tính lại chín chắn, điềm đạm, chị ý thức được rằng “vạch áo cho người xem lưng” chỉ khiến cho sự việc trong nhà trở thành đề tài cho mọi người xôn xao bàn tán, dị nghị, chê cười chứ chẳng giải quyết được việc gì.
Chị cũng không ương bướng, cãi lại mẹ chồng như lời người này người khác kích động, bởi chị biết làm như vậy chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa” trong lúc bà đang giận dữ. Và tuyệt nhiên, chị không cố tình lôi kéo chồng đứng về phía mình, bảo vệ cho sự lựa chọn của bản thân, bởi chị không muốn đặt chồng vào tình thế khó xử khi phải đứng giữa mẹ và vợ. Dẫu mẹ chồng chị có quan điểm thế nào chăng nữa thì bà cũng là đấng sinh thành ra chồng chị...
Những buổi chiều về sớm hay buổi tối, ngày nghỉ, chị vẫn nhiệt tình phụ giúp mẹ chồng bán hàng, thậm chí còn làm việc cần mẫn, chăm chỉ hơn bất cứ nhân viên nào. Chị sắp xếp chu đáo công việc cho từng người làm thuê, nên dù chị đi vắng, những việc thu vén nhà cửa, chăm sóc con nhỏ vẫn tươm tất, đâu ra đấy. Sự khôn khéo, tế nhị rất đỗi chân thành từ chị đã dần thuyết phục được mẹ chồng thay đổi cách hành xử với nàng dâu.
Tình cảm giữa chị và mẹ chồng ngày càng trở nên khăng khít. Chị rất cảm động khi nghe mẹ chồng nói rằng, do tầm nhìn hạn hẹp và suy nghĩ thiển cận nhất thời bà đã ngăn cản việc chị đi làm, bây giờ bà đã nhận ra cái sai của mình, bà sẽ luôn ủng hộ chị, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn trong công việc của chị…
Chị vẫn được gắn bó với niềm đam mê với công việc đã chọn và tình cảm gia đình cũng không bị đổ vỡ, xáo trộn. Không những thế, chị còn “ghi điểm” trong mắt người bạn đời khi chinh phục được người mẹ khó tính của anh.
Câu chuyện của chị chính là một bài học lớn về giữ gìn hạnh phúc. Như các chuyên gia tâm lý đã khuyên, dù ở hoàn cảnh nào, nếu muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì đừng đặt chồng vào thế kẹt giữa hai người phụ nữ. Các nàng dâu nên học cách đối xử đúng mực với mẹ chồng mà không khiến chồng thất vọng. Bởi, mẹ chồng trước hết là mẹ, nên con dâu phải kính trọng và yêu thương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần