Người dân trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi: Mồ hôi mặn và những vụ mùa cay đắng

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 3 tháng ăn, ngủ ngoài đồng, người trồng dưa ở Quảng Ngãi đang háo hức đón chờ thành quả. Nhưng nụ cười chưa kịp tươi đã vụt tắt bởi giá dưa liên tục xuống thấp. Điệp khúc “rớt giá” lại tái diễn. Nhiều năm qua, những giọt mồ hôi mặn vẫn chỉ mang lại cái kết ngậm ngùi cho người trồng dưa Quảng Ngãi.

Cánh đồng chuyên canh dưa hấu của xã Bình Thanh Tây được xem là vùng trồng dưa hấu lớn nhất của huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Và nơi đây, dù đang vào vụ thu hoạch rộ nhưng hàng trăm hộ trồng dưa lại “mặt ủ mày chau” bởi giá dưa đang trên đà giảm sâu.
Dưa hấu là loại cây trồng rất dễ chịu tác động của yếu tố thời tiết, sâu bệnh.
Trao đổi với phóng viên, anh Phan Đức Tự - một trong những hộ trồng dưa ở xã Bình Thanh Tây lắc đầu ngao ngán: “Cách đây hơn 1 tuần, giá dưa hấu hắc mỹ nhân còn ở mức gần 7.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn chưa đến 3.000 đồng/kg. Dưa rớt giá thế này, chỉ mong thu lại tiền phân, giống, còn công chăm sóc, coi như bỏ. Nhà ai mà phải thuê ruộng để làm dưa thì lỗ nặng”.
Cùng chung hoàn cảnh như anh Tự, nhiều hộ trồng dưa hấu tại huyện Bình Sơn cũng đang thấp thỏm bởi giá cả diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi. Theo người dân, dưa hấu là loại cây trồng rất dễ chịu tác động của yếu tố thời tiết, sâu bệnh... Để có được quả dưa đạt chất lượng, người nông dân rất vất vả, ăn ngủ gần 3 tháng ngoài đồng. Vài năm gần đây, người dân chủ yếu đầu tư trồng dưa hắc mỹ nhân thay cho dưa hồng lương vì giống hắc mỹ nhân có thể tiêu dùng nội địa hoặc xuất bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho giống này cũng khá cao. Với dưa hắc mỹ nhân, phải có giá trên 5.000 đồng/kg trở lên thì người trồng dưa mới có lãi.
Ông Phạm Hồng Nguyên - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Bình Sơn cho hay, hiện nay huyện Bình Sơn là nơi có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi. Toàn huyện có trên 400ha trồng dưa hấu. Theo ông Nguyên, nhiều năm liền giá dưa không ổn định nên huyện không khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng dưa, đồng thời duy trì việc trồng các giống rau, đậu …
Dưa hấu đang được thu mua với giá thấp khiến người trồng rất lo lắng.
“Mặc dù biết thị trường đầu ra năm nào cũng bấp bênh nhưng nếu được giá thì dưa hấu là cây trồng mang hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác như lúa, rau, đậu... Vì vậy, người nông dân dù năm nay thua lỗ, năm sau lại vẫn tiếp tục trồng với hy vọng được giá sẽ gỡ gạc lại”, ông Nguyên chia sẻ.
Không chỉ riêng ở Bình Sơn, người trồng dưa ở các địa phương khác trong tỉnh Quảng Ngãi như: Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, TP Quảng Ngãi cũng đang đứng ngồi không yên bởi lâu nay, người nông dân chỉ biết trồng dưa, không quyết định được đầu ra cho sản phẩm. Đến kỳ thu hoạch, nếu tư thương mua giá cao thì được nhờ, nếu trả giá thấp thì đành chịu. Còn nếu mặc cả với tư thương, dưa quá độ chín vài ngày thì người trồng dưa thậm chí mất cả vốn đầu tư.
"Chỉ mong giá dưa không tiếp tục xuống, nếu tiếp tục như những năm trước, không biết phải làm sao…”, bà Lê Thị Ánh, một người trồng dưa hấu ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh lo lắng.
Theo ước tính, sản lượng dưa hấu mỗi năm của tỉnh Quảng Ngãi đạt khoảng 40.000 tấn. Tỉnh Quảng Ngãi cũng là một trong những địa phương có sản lượng dưa hấu thuộc tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, đầu ra của dưa hấu phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc nên năm nào cũng có hàng ngàn tấn dưa hấu ở Quảng Ngãi rơi vào tình cảnh “bán rẻ như cho” khiến người trồng dưa điêu đứng. Vì vậy, từ việc trồng dưa hấu, không ít vụ người trồng dưa phải "trắng tay". Trong đó, năm 2017, giá dưa hấu xuống thấp kỷ lục, dưới 1.000 đồng/kg vẫn không có người mua; năm 2018, giá dưa hấu vào thời điểm thấp nhất khoảng 1.500  đồng/kg mà vẫn còn hàng nghìn tấn dưa còn tồn đọng.