Nghị định 01/2021/NĐ-CP: Như "bếp lửa hồng"

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký DN. Đây là Nghị định đầu tiên được Chính phủ ban hành trong năm 2021, cụ thể hóa những cải cách, đổi mới của Luật DN 2020, đồng thời khắc phục những bất cập, xử lý những vướng mắc trong thời gian qua.

Theo Bộ KH&ĐT, Luật DN 2020 được ban hành với mục tiêu tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn hơn nữa cho thành lập và hoạt động của DN, với 5 cải cách quan trọng gồm: Cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập DN; cải thiện khung khổ pháp lý về quản trị DN và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư; nâng cao hiệu lực quản trị của DN có sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ ràng, cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký DN, đơn giản hóa, bãi bỏ một số thủ tục hành chính không cần thiết như công bố con dấu, thông báo thay đổi thông tin người quản lý DN, chào bán cổ phần riêng lẻ… Cùng với đó, tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ…

Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, việc DN thành lập mới cũng gặp khó khăn, trong khi số DN giải thể, đóng cửa chờ giải thể có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ DN chưa thực sự được hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn khi nói về cộng đồng DN Việt Nam, đó không chỉ là số lượng mà còn nhiều vấn đề về chất lượng. DN hoạt động manh mún, thiếu liên kết nhau, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực gia công, lắp ráp nên hàm lượng thặng dư không cao.

Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2030 là tốc độ tăng số DN hoạt động đạt khoảng 15%/năm, tăng tỷ lệ DN vừa và lớn chiếm khoảng 5 - 6% tổng số DN vào năm 2025, phấn đấu đạt 8% vào năm 2030… sẽ tiếp tục là một thách thức không nhỏ. Trong khi giai đoạn 2021 - 2025, bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển nhanh chóng, thách thức từ đại dịch Covid-19, biến động kinh tế thế giới và các hiệp định thương mại tự do… vừa là thuận lợi nhưng cũng là áp lực rất lớn.

Luật DN 2020 có hiệu lực vào 1/1/2021 đang được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi lớn trên thị trường, ở cả góc độ DN và quản lý nhà nước. Những điểm mới của Luật DN 2020 cho phép DN được thuận lợi hơn không chỉ trong việc thành lập mà còn trong cả quá trình gia nhập thị trường và nhất là quản trị DN. Để những điểm mới tích cực của Luật DN 2020 sớm đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, Chính phủ đã ban hành nghị định về đăng ký DN và sắp tới là Nghị định hướng dẫn Luật sẽ được ban hành.

Các chuyên gia và DN bày tỏ mong muốn các chính sách hỗ trợ tới DN phải nhanh hơn nữa và Luật sẽ tạo không khí hồ hởi, như “bếp lửa hồng” truyền hơi ấm tới cộng đồng DN, góp phần chuyển dịch mô hình kinh doanh và giảm chi phí để tăng cường sức bền và tính linh hoạt cho DN. Và trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái ‘bình thường mới’, các lãnh đạo DN cũng cần tận dụng được cơ hội từ những sửa đổi luật mới nhằm mở rộng thị trường, khả năng kết nối rộng hơn, thúc đẩy đối tượng đầu tư xây dựng môi trường kinh doanh chuyên nghiệp hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần