Nghị định 09/2021/NĐ-CP: Tạo cơ chế cho ngành vật liệu xây dựng tăng trưởng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 09/2021/NĐ-CP, về quản lý VLXD, thống nhất quản lý Nhà nước về các hoạt động trong lĩnh vực VLXD trên phạm vi cả nước. Việc kiện toàn các cơ sở pháp lý sẽ giúp cho ngành VLXD tiếp tục duy trì sự phát triển và tăng tính cạnh tranh trong thời gian tới.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế để ngành sản xuất VLXD duy trì tăng trưởng. Ảnh: Doãn Thành
Ổn định sản xuất
Số liệu báo cáo từ Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), năm 2020, ngành sản xuất VLXD đã đạt được kết quả tích cực, vượt qua những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 một số chủng loại không chỉ duy trì ổn định về sản xuất, mà còn gia tăng về sản lượng, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất xi măng. Cả nước duy trì được 84 dây chuyền sản xuất xi măng, công suất thiết kế trên 101 triệu tấn/năm. Dây chuyền sản xuất đều là lò quay phương pháp khô, sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới, đạt tiêu chuẩn châu Âu. “Đáng chú ý, mặc dù phải đối phó với hàng loạt những khó khăn như dịch bệnh, thiên tai, sự đóng cửa của một số thị trường xuất khẩu…nhưng đây là lần đầu tiên năng lực sản xuất toàn ngành xi măng đạt sản lượng trên 100 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu cũng ghi nhận có sự tăng trường, tổng sản lượng xuất khẩu đạt trên 38 triệu tấn xi măng, clinker bằng 110% năm 2019” - Vụ trưởng Vụ VLXD Phạm Văn Bắc cho hay.

Cùng với xi măng, nhiều chủng loại VLXD khác cũng duy trì năng lực sản xuất ổn định, như: Sản xuất xứ vệ sinh có 65 dây chuyền của 25 DN sản xuất, tổng công suất thiết kế đạt 26,55 triệu sản phẩm/năm. Nhiều loại sản phẩm đạt trình độ công nghệ từ những nước tiến tiến hàng đầu trong lĩnh vực này như Nhật Bản, Đức, Italia, Tây Ban Nha. Sản xuất gạch ốp lát, có 93 DN, trong đó gạch ceramic tổng công suất thiết kế là 608,6 triệu mét vuông/năm, granite 182 triệu mét vuông/năm, cotto 31 triệu mét vuông/năm. Kính xây dựng, ước đạt 4.420 tấn/ngày tương đương 308 triệu mét vuông quy tiêu chuẩn/năm, các DN đã sản xuất được kính nổi, kính siêu trắng, kính cán... Hiện Việt Nam đứng trong nhóm 5 nước có sản lượng kính lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Một số chủng loại khác, như gạch nung, cả nước có 3.969 cơ sở sản xuất với tổng công suất thiết kế đạt 26,9 tỷ viên/năm. Vật liệu xây không nung, cả nước có trên 2.500 dây chuyền, trong đó khoảng 140 dây chuyền công suất thiết kế từ 10 – 45 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm, còn lại là công suất nhỏ (dưới 10 triệu viên/ năm), tổng công suất thiết kế khoảng 12,6 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm. Đá ốp lát, tổng công suất thiết kế khoảng 26 triệu mét vuông/năm. Vôi công nghiệp, tổng công suất 2,5 triệu tấn/năm. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt trên 2,5 triệu tấn...

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Trịnh Khôi Nguyên thông tin, năm 2021, Chính phủ sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công với hàng loạt công trình trọng điểm đã được khởi công như Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tổng mức đầu tư 4.826 tỷ đồng; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tổng mức đầu tư 109.111 tỷ đồng; dự án cao tốc Bắc - Nam, tổng mức đầu tư 13.338 tỷ đồng... Chi tính riêng các công trình giao thông trong năm dự kiến sẽ chi khoảng trên 200.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm nay, thị trường bất động sản được cho là sẽ có sự phục hồi về sản xuất, kinh doanh khi đã sản xuất thành công vaccine Covid-19 và Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho DN sẽ giúp cho ngành sản xuất VLXD tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. “Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công nhằm tạo đòn bẩy cho phục hồi kinh tế. Trong năm 2021, thị trường bất động sản được dự báo sẽ có sự phục hồi tốt khi nhiều bộ luật mới được sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng DN để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của ngành sản xuất VLXD trong thời gian tới” – ông Trịnh Khôi Nguyên nhìn nhận.

Liên quan đến công tác quản lý và chính sách phát triển cho ngành VLXD, đầu tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 09/2021/NĐ-CP về quản lý VLXD, thống nhất quản lý Nhà nước về các hoạt động trong lĩnh vực VLXD trên phạm vi cả nước. Nhà nước đã ban hành cơ chế cụ thể để khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, đầu tư sản xuất VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Quy định lộ trình hạn chế, xóa bỏ những cơ sở sản xuất lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và gây ô nhiễm môi trường...

“Nhiệm vụ quan trọng của ngành xây dựng là tổ chức triển khai hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển VLXD được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục rà soát, đề xuất để hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá liên quan lĩnh vực VLXD, khoáng sản làm VLXD gắn với giải pháp phát triển thị trường ổn định bền vững. Đồng thời nghiên cứu chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế, VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, vật liệu cho khu vực biển đảo...” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay.
Ngành VLXD, dù chịu tác động của Covid-19 nhưng kết quả kinh doanh ghi nhận đạt được con số khả quan, các chủng loại sản phẩm đang sản xuất ổn định, dù năng suất và sản lượng có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đa phần đều tăng trưởng dương. Thời gian tới, với việc kiểm soát được dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dương, đây là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của ngành sản xuất VLXD.

Giám đốc Nhà máy Nghiền sàng đá và cát nhân tạo Việt Nam Nguyễn Trung Hiếu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần