Nghị định 100/2019/NĐ - CP: Trấn áp mạnh vi phạm giao thông

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một năm áp dụng vào thực tiễn, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã phát huy tác dụng mạnh mẽ, giảm thiểu vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn.

Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Đăng Khoa
“Ma men” đã biết sợ
Đáng chú ý nhất trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP là cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện mà nồng độ cồn trên “0”. Theo đó, hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông bị xử phạt rất nặng: Từ 2 - 8 triệu đồng đối với xe máy; từ 6 - 40 triệu đồng đối với ô tô, tước bằng lái đến 2 năm. Thậm chí, người điều khiển xe đạp, xe đạp điện cũng có thể bị phạt tới 800.000 đồng với hành vi này.

Theo thống kê, năm 2020 vừa qua, CSGT cả nước đã xử phạt 185.550 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Với mức phạt cực nặng như trên, đa số người dân đã biết sợ. Anh Đinh Văn Tú (Hà Đông) chia sẻ: “Khi Nghị định 100 được áp dụng, tôi chưa khi nào dám lái xe trong tình trạng đã uống rượu, bia. Mức phạt quá nặng khiến tôi và bạn bè đều biết sợ”.

Lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội thông tin, ý thức của người tham gia giao thông đã thay đổi rất nhiều, đại bộ phận đều không dám điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia. Đó cũng là một trong những tác động rất tích cực giúp Hà Nội kéo giảm 10% TNGT trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, và bị thương) trong năm qua. Tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn Thủ đô cũng như cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, người tham gia giao thông đã biết tuân thủ luật hơn trước.

Thạc sĩ giao thông đô thị Đỗ Cao Phan nhìn nhận: "Những quy định mức phạt hành chính đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông cao hơn trước, Nghị định 100 là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ và có hiệu quả nhất trong bối cảnh ý thức, văn hoá giao thông của bộ phận không nhỏ người dân còn chưa cao như hiện nay”. Tuy nhiên, ông Phan cũng cho rằng, xử phạt nặng chỉ là một trong các biện pháp kéo giảm ùn tắc, TNGT mà thôi. Muốn đạt hiệu quả bền vững, cần kết hợp với tuyên truyền, giáo dục ý thức về trật tự, ATGT cho người dân mọi tầng lớp, lứa tuổi.

Nỗi lo còn đó

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự chuyển biến trong ý thức người dân, vẫn còn đó nhiều nỗi lo về trật tự, ATGT. Theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, trong đợt cao điểm từ ngày 15 - 28/12/2020, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 101.085 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó có 8.301 trường hợp vi phạm nồng độ cồn các loại. Có thể thấy, mỗi dịp cao điểm Tết, nỗi lo về “ma men” sau tay lái vẫn là nỗi ám ảnh trên nhiều cung đường từ thành thị đến nông thôn.

Một số chuyên gia cho rằng, mức phạt đã đủ sức răn đe nhưng vẫn có hàng nghìn trường hợp vi phạm, đó là vấn đề về ý thức. Không ít người biết lái xe sau khi đã uống rượu, bia là phạm luật nhưng vẫn cố tình vi phạm, đó là vì chưa ý thức được nguy cơ mất ATGT đối với bản thân, cộng đồng và những hệ luỵ cho chính gia đình họ nếu chẳng may xảy ra TNGT. Muốn giải quyết vấn đề này cần làm thật tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức, văn hóa giao thông.

Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định, việc giáo dục ý thức, văn hóa giao thông phải được thực hiện liên tục, trong mọi môi trường, từ cơ quan, nơi ở, trường học cho đến nơi công cộng. Tuyên truyền về trật tự, ATGT phải đa dạng, gần gũi, dễ tiếp thu, có các biện pháp đặc thù phù hợp với từng nhóm đối tượng. “Ví dụ như học sinh, sinh viên thì đẩy mạnh tuyên truyền trong nhà trường; cán bộ, công chức thì phải coi chấp hành luật giao thông là yếu tố đánh giá đạo đức, kỷ luật. Với người lao động tự do hoặc kinh doanh buôn bán thì phải đẩy mạnh tuyên truyền ở khu phố, nơi ở, nơi kinh doanh…” - ông Tân phân tích.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã của Thủ đô đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT đến từng người dân thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố, họp chi bộ, họp Ban công tác mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tại cơ sở, các trường học trên địa bàn. Điều đó cho thấy, lãnh đạo TP đã đánh giá chính xác vai trò, ý nghĩa của công tác tuyên truyền trật tự, ATGT thông qua các kênh thông tin gần gũi nhất với người dân.

Thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng: “Xử phạt nặng và tuyên truyền, giáo dục tốt luôn phải song hành với nhau, không thể thiếu, cũng không thể coi nhẹ vấn đề nào hơn. Muốn người dân chấp hành luật, tham gia giao thông một cách có văn hoá vừa phải làm cho họ hiểu, vừa phải khiến họ không nhờn luật”. Riêng với vi phạm nồng độ cồn, việc xử phạt nặng đã phát huy tác dụng mạnh mẽ trong thời gian qua, nhưng muốn duy trì hiệu quả bền vững không thể buông lỏng công tác tuần tra, xử lý, đặc biệt trong dịp cao điểm Tết và lễ hội Xuân.
Thông qua tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, nếu ghi nhận các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong các cơ quan, đơn vị, trường học thuộc TP vi phạm quy định về trật tự, ATGT cần thông báo đến cơ quan, đơn vị chủ quản của người vi phạm để phối hợp quản lý. Đồng thời, có văn bản gửi Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh