Nghị định 15/2018/NĐ – CP: Cắt giảm 90% thủ tục hành chính liên quan đến An toàn thực phẩm

Đoàn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nghị định 15 đã “cởi trói” cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, trong đó, thống kê cho thấy, giảm 90% thủ tục hành chính liên quan đến ATTP. Tiết giảm hàng triệu ngày công và hàng trăm nghìn tỷ đồng cho cộng đồng doanh nghiệp

Nghị định 15/2018/NĐ - CP đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm tra sang hậu kiểm, nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Một trong những nội dung được đặc biệt chú ý là quy định về thực hiện tự công bố. Thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan Nhà nước, nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố.
Các đại biểu tham gia hội nghị.
Chiều 6/3, tại TP Hồ Chí Minh, đã diễn ra Hội nghị “Phổ biến Nghị định 15/2018/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cùng 6 Hiệp hội ngành hàng phối hợp tổ chức. Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 700 doanh nghiệp và đại diện các Bộ, ngành Trung ương liên quan.
Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Nghị định 15 là Nghị định sau khi Chính phủ ký ban hành có hiệu lực ngay, là văn bản cực kỳ quan trọng, thay đổi gần như cơ bản phương thức quản lý thực phẩm. Trong đó, có 11 nội dung gần như thay đổi; thay đổi từ phương thức công bố đến phương thức đăng ký tự công bố, đến kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, điều kiện vệ sinh, quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo thực phẩm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, khi Nghị định 15 được Chính phủ ký ban hành ngày 2/2/2018 thì ngày 7/2/2018, Cục An toàn thực phẩm đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế (thay mặt cho ban chỉ đạo liên ngành) văn bản chỉ đạo yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay Nghị định 15 để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Do đó, về mặt thủ tục, việc phổ biến và thống nhất cách thực hiện là rất quan trọng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Chi nhánh VCCI TP Hồ Chí Minh Trần Ngọc Liêm cho biết: Nhiệm kỳ Chính phủ mới 2016 - 2021, lấy kiến tạo, coi hành động, thiết kế thể chế chính sách, tạo thuận lợi thương mại, cải cách hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và coi doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế. Hàng năm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có những hành động rất có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp như năm 2016 Chính phủ có Nghị quyết 35/2016/NQ - CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Năm 2017, Chính phủ coi là năm giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp; cũng như có chỉ đạo là việc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp không quá 2 lần trong năm. Năm 2018 là một cuộc cách mạng trong quản lý ATTP, đó chính là Nghị định 15/2018/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Nghị định 15 đã “cởi trói” cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm rất lớn; trong đó, thống kê cho thấy, giảm 90% thủ tục hành chính liên quan đến ATTP. Còn theo tính toán của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Nghị định 15 đã tiết giảm hàng triệu ngày công và hàng trăm nghìn tỷ đồng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần