Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2019 chứng kiến hai lĩnh vực vận tải trọng điểm đường sắt và hàng không trải qua những ngày cao điểm vô cùng căng thẳng.
Hàng không vượt qua sức ép
Trước khi kì nghỉ diễn ra, hàng không là lĩnh vực được dự báo sẽ đối mặt với nhiều căng thẳng do nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến. Dù hầu hết các hãng đều đã tăng chuyến, tăng ghế lên mức tối đa nhưng cung vẫn không đủ đáp ứng cầu. Vé máy bay bị rơi vào tình trạng “cháy sạch” từ nhiều ngày trước. Dù vậy, diễn biến trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua ghi nhận vận tải hàng không đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình bất chấp sức ép khủng khiếp trong những ngày cao điểm.
Tại khu vực phía Bắc, Cảng Hàng không Nội Bài là nơi “nóng” nhất khi dịp cao điểm nghỉ lễ, có ngày lượng hành khách qua sân bay lên tới 89.000 lượt. Trung bình mỗi ngày có khoảng 550 lượt chuyến bay cất/hạ cánh tại Nội Bài, tăng 7% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, lượng khách tập trung đông trong các ngày 26/4, 27/4, 1/5 và 2/5. các hãng hàng không Việt Nam lên kế hoạch cung ứng gần 1,9 triệu chỗ với 8,7 nghìn chuyến bay trên các đường bay nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ 26/4 - 5/5/2019 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng đột biến của hành khách.
Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, đại diện Sân bay Tân Sơn Nhất cho biết trong 2 ngày 26/4 và 27/4, sân bay này đạt bình quân 740 chuyến bay cất hạ cánh/ngày. Tần suất các chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất không nhiều bằng cao điểm Tết Nguyên Đán vừa qua với kỷ lục gần 1.000 chuyến bay cất hạ cánh/ngày. Chính vì lượng khách tăng đột biến trong kì nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, khiến tần suất các chuyến bay cũng đạt mức kỷ lục trong dịp cao điểm hè.
Dù sức ép là rất lớn nhưng nhìn chung, ngoại trừ tình trạng ùn tắc nghiêm trọng xảy ra ở khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (tình trạng kéo dài trong thời gian qua do sân bay Tân Sơn Nhất đã rơi vào tình trạng quá tải), vận tải hàng không đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều sự cố liên quan đến hành vi, thái độ không đúng mực của một số hành khách đã xảy ra trong thời gian này. Đơn cử như vụ việc một nam hành khách hành hung nhân viên sân bay trầy xước mặt chỉ vì bị nhắc nhở xếp hàng làm thủ tục đúng quy định xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hay như vụ việc một nam hành khách bẻ kĩnh mũ bảo hiểm dọa hành hung tiếp viên hàng không ngay trên máy bay của hãng Jetstar.
Đường sắt “ghi điểm” về chất lượng dịch vụ
Đường sắt được dự báo “dễ thở” hơn vì đã đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu vé tàu phục vụ người dân đi lại dịp nghỉ lễ. Ngoại trừ các ngày cao điểm, lượng vé đã hết vào thời điểm trước kỳ nghỉ, còn lại nhìn chung việc đi lại của người dân bằng tàu hỏa trong kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày vừa qua tương đối thuận lợi. Thậm chí, các chuyến tàu xuất phát vào các thời gian ngoài những ngày cao điểm (26 đến 28/4 và từ 30/4 đến 1/5), các tuyến khác vẫn còn nhiều vé, nhất là vé ghế ngồi. Như các mác tàu Hà Nội - Lào Cai chạy các ngày từ 26 đến 28/4 còn gần 300 vé, trong đó còn hơn 100 vé giường nằm mềm điều hòa.
Cũng từ 26 đến 28/4, có 12 chuyến tàu xuất phát Hà Nội đi Hải Phòng nhưng hiện còn tới 6.600 vé. Ngoài ra, các tàu Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội - Đồng Đăng vẫn còn rất nhiều vé. Đây cũng là tình hình chung ở khu vực phía Nam. Đại diện Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn nhận định, dù lượng vé bán ra rất lớn nhưng vẫn còn nhiều vé để phục vụ hành khách. Trong trường hợp hết vé các mác tàu, ngành đường sắt lập tức lập thêm tàu, nối thêm toa để đáp ứng tối đa nhu cầu của hành khách.
Đặc biệt, thái độ phục vụ và tinh thần trách nhiệm của đôi ngũ nhân viên ngành đường sắt trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 vừa qua được đánh giá rất cao. Điển hình nhất là việc Trưởng tàu cùng tổ tàu nhanh trí giúp một nữ hành khách mang thai sinh con ngay trên chuyến tàu SE4 thuộc đoàn tàu Thống Nhất Bắc – Nam vào rạng sáng 29/4 đã để lại ấn tương tốt đẹp và tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ ân cần, chuyên nghiệp của cán bộ, nhân viên ngành đường sắt trong dịp nghỉ lễ vừa qua.