Nghỉ lễ Quốc khánh vẫn bị “cò” bất động sản… đeo bám

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp kì nghỉ lễ dài ngày, người mua nhà khi có nhu cầu tìm hiểu giá cả, tiện ích, dịch vụ, thương hiệu… một dự án chung cư bất kỳ đều được phục vụ “tận răng”. Thậm chí, nhiều môi giới bất động sản - hay còn gọi “cò” nhà đất tìm đủ cách “dội bom” khách hàng bất kể ngày đêm.

Khách hàng khốn khổ vì các cuộc gọi tư vấn bất động sản.
1001 kiểu điện thoại, tin nhắn
Thời điểm nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, với nhiều môi giới bất động sản là cơ hội tốt để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Theo lập luận của đội ngũ “cò đất”, 3 ngày nghỉ dài hơi, rảnh rỗi, người mua nhà thật sự thường có nhu cầu tìm hiểu bất động sản. “Khi có nhân viên kinh doanh tư vấn xuất hiện đúng lúc, thực địa dự án ưng ý, tỷ lệ phần trăm khách hàng xuống tiền đặt cọc giữ chỗ cực cao (có khi hơn 70%)”, cò T. thuộc sàn phân phối Đất xanh Miền Bắc tiết lộ.
Người mua nhà vì thế rơi vào tình huống dở khóc, dở cười khi một ngày nhận được hàng chục tin nhắn, điện thoại quảng cáo, tư vất bất động sản. Nghịch lý ở chỗ, cho dù khách hàng thể hiện thái độ không có nhu cầu, các “cò” vẫn nhiệt tình chào bán… sản phẩm.
Chị Minh Hạnh (Thụy Khuê, Tây Hồ) bức xúc: “Được ngày nghỉ lễ cả gia đình tổ chức đi chơi cũng không yên với môi giới nhà đất. Chỉ tính riêng ngày 2/9, chị nhận gần chục cuộc điện thoại mời chào mua các dự án bất động sản từ bình dân đến cao cấp. Cứ cầm máy lên nghe thấy em ở sàn này sàn kia là tắt máy ngay nhưng mất thời gian, bực mình mà không làm gì được”.
Cũng theo nhiều khách hàng, ngày nghỉ dịp Quốc khánh của họ không trọn vẹn cũng bởi sự “đeo bám” quá dai dẳng của đội ngũ “cò” đất. Đa phần thông tin cá nhân của khách hàng bị trao đổi trên chợ đen môi giới khi thực hiện một giao dịch mua - bán bất động sản bất kỳ.
Tờ rơi cắm… cổng nhà
Có mặt tại Hà Nội vào chiều 3/9 sau kỳ nghỉ lễ, gia đình anh Minh Khải (Bạch Mai) sửng sốt khi cổng nhà cắm chi chít tờ rơi chào bán… chung cư. Nhiều tờ bị gió thổi, tốc ngược vào nhà khiến sân nhà trắng xóa. Đi chơi về lại phải lúi húi dọn cả đống rác, bực không để đâu cho hết. Dọc khu vực Trương Định, Trần Đại Nghĩa, nhiều tờ rơi được “quẳng” vào nhà dân cùng nội dung: “Bán chung cư X trên trục đường Minh Khai với giá chỉ từ 500 triệu đồng. Dự án nằm trên vị trí đắc địạ, tiện ích nội, ngoại khu đa dạng của chủ đầu Y uy tín. Liên hệ hotline: 0982543XXX…”.
Hầu hết những tờ rơi quảng cáo bất động sản, các nhân viên môi giới phát không hết đều ném lại giữa đường, không chỉ mất vệ sinh, mà còn mất mỹ quan đô thị kỳ nghỉ lễ. Trong khi, tính hiệu quả của việc phát tờ rơi quảng cáo không hề cao.
Tấn công mạng xã hội
Nắm bắt được tâm lý, khách hàng vào thời gian nghỉ ngơi thường thư giãn bằng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber…) để nói chuyện, giao lưu cùng bạn bè, “cò” đất còn cần mẫn gửi spam tin nhắn.
Anh Thái, một khách hàng có nhu cầu tìm mua nhà trong thời gian vừa qua cho hay, do có nhu cầu mua nhà nên tôi thường xuyên vào các trang về bất động sản, dự án để tham khảo thông tin. Kể từ đó liên tục bị làm phiền. Kỳ nghỉ lễ vừa qua, mức độ spam tin nhắn càng “khủng”. Không cần biết khách hàng quan tâm đến căn hộ như thế nào họ mời chào đủ các sản phẩm: Biệt thự, liền kề, đất thổ cư, chung cư giá rẻ, cao cấp...
Theo các môi giới bất động sản, hình thức nhắn tin qua mạng xã hội đang được áp dụng phổ biến vì tiết kiệm chi phí. Chỉ cần chịu khó tìm kiếm là mỗi ngày có thể lọc ra được cả trăm khách hàng. “Thà tìm nhầm khách còn hơn bỏ sót, 100 khách, biết đâu 1 khách có nhu cầu”, một “cò” môi giới cho hay.
Các môi giới địa ốc hoạt động xuyên lễ được đánh giá rất xông xáo với “nghề”. Song, theo giới chuyên gia, sự nhiệt tình theo kiểu “hành” khách hàng ngay thời điểm họ cần nghỉ ngơi là lợi bất cập hại. Phần lớn người mua nhà trên khi có nhu cầu thật sự, chắc chắn cũng không tìm đến đội ngũ “cò” đất này. Đơn giản bởi số điện thoai, hoặc các thông tin khác của họ đều đã nằm trong “danh sách đen” của khách hàng.