Nghi vấn đảo chính tại Sudan, chưa rõ tình hình Tổng thống

Hương Thảo (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhân chứng ở Khartoum cho biết quân đội đã được triển khai tại nhiều địa điểm quan trọng trong TP, với xe bọc thép và xe tăng đậu trên đường và gần những cây cầu bắc qua sông Nile.

Người biểu tình tập trung gần trụ sở quân đội hôm 9/4 vừa qua tại thủ đô Khartoum, Sudan. 
Hàng chục ngàn người Sudan đã tập trung tại trung tâm thủ đô nước này vào hôm nay (11/4) trong khi 2 quan chức cấp cao cho biết quân đội đã buộc Tổng thống Omar al-Bashir phải từ chức sau 30 năm cầm quyền.
Các nhân chứng ở Khartoum cho biết quân đội đã được triển khai tại nhiều địa điểm quan trọng trong TP, với xe bọc thép và xe tăng đậu trên đường và gần những cây cầu bắc qua sông Nile. Tuy nhiên, tình trạng của ông al-Bashir hiện tại vẫn còn chưa rõ ràng, khi truyền hình nhà nước dẫn lời lực lượng vũ trang thông báo người dân cần chờ thêm cho một "thông báo quan trọng" sắp được đưa ra.
Mạng lưới truyền hình Pan-Arab cho biết, các quan chức hàng đầu của đảng cầm quyền hiện đang bị bắt giữ, đồng thời phát sóng hình ảnh quần chúng được cho là đang tiến về dinh Tổng thống ở Khartoum trong khi vẫy cờ quốc gia và vỗ tay.
Hai quan chức giấu tên cũng xác nhận với AP, sau khi buộc Tổng thốnng từ chức, quân đội Sudan hiện đang thảo luận về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Thông tin về một cuộc đảo chính đã nổ ra sau gần 4 tháng biểu tình trên đường phố chống lại chế độ chuyên quyền al-Bashir.
Tổng thống al-Bashir hiện là một đối tượng bị tòa án quốc tế truy nã vì tội ác chiến tranh tàn bạo ở Darfur. 
Những tháng biểu tình đã khiến Sudan rơi vào khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều năm. Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra vào tháng 12 năm ngoái với các chỉ trích về vấn đề chính sáhc kinh tế, nhưng sau đó nhanh chóng leo thang thành lời kêu gọi chấm dứt sự cai trị của Tổng thống đương nhiệm.
Lực lượng an ninh của chính phủ được cho là đã đáp trả các phong trào phản kháng bằng một cuộc đàn áp khốc liệt, giết chết hàng chục người. Chính quyền al-Bashir đã cấm các cuộc tụ họp công cộng trái phép và cho phép cảnh sát sử dụng bạo lực sau khi công bố tình trạng khẩn cấp vào tháng trước. Lực lượng an ninh đã sử dụng hơi cay, đạn cao su, đạn dược và dùi cui để chống người biểu tình.
Các cuộc biểu tình tại Sudan được cho là đã có thêm động lực vào tuần trước sau khi Tổng thống nắm quyền 20 năm của Algeria, Abdelaziz Bouteflika, tuyên bố từ chức khi đối mặt với các tuần biểu tình tương tự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần