Nghĩa đồng bào trong lũ dữ

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi qua những ngày miền Trung oằn mình trong bão lũ mới cảm nhận được sâu sắc hơn cái tình, cái nghĩa đồng bào mình. Lòng nhân ái, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt được thắp sáng trong cơn hoạn nạn để san sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ, làm vơi bớt nỗi đau do thiên tai gây ra.

Mảnh đất miền Trung vốn “cong như đòn gánh mẹ” vừa trải qua một năm oằn mình vì bão lũ triền miên. Thiên tai nối tiếp thiên tai khiến hàng vạn gia đình phải rơi vào cảnh khốn khó. Nhưng cái tình, cái nghĩa đồng bào đã đùm bọc họ, san sẻ phần nào khó khăn. Dọc dài chuyến công tác miền Trung trong mùa bão lũ năm 2020 vừa qua, không biết bao nhiêu lần lòng quặn thắt trước cảnh tang thương, mất mát của người dân nhưng cũng không ít lần tôi cảm thấy ấm áp trước cái tình, cái nghĩa đồng bào mình.
Đại diện báo Kinh tế & Đô thị và báo Thừa Thiên Huế trao quà cho người dân vùng lũ thuộc huyện miền núi Nam Đồng, 

tháng 11/2020. Ảnh: Ngọc Tú

Những ngày cuối tháng 10/2020 về Quảng Trị tôi mới thấy hết được sức sống tinh thần của người nông dân vùng lũ Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh khi cứu vớt những gì còn sót lại sau con nước dữ đi qua. Đó là hình ảnh của bà Trần Thị Hà (thôn An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) trong bộ áo quần ướt sũng, cặm cụi hốt những vạt lúa đã quện với bùn đất vương vãi trên nền nhà đẫm nước. Đó là hình ảnh chị Hồ Thị Ngọc Vân (xã Hải Trường, huyện Hải Lăng) ngồi thất thần bên 80 tấn lúa đã mọc mầm, bốc mùi chua hẩm…

Đến với rốn lũ Quảng Ninh, Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình, chứng kiến nhiều cảnh hoang tàn khi cơn “đại hồng thủy” chưa từng có càn quét qua những vùng quê nghèo. Hàng ngàn ngôi nhà bị san phẳng, sập đổ, hư hỏng. Hàng vạn người dân đối mắt với cảnh màn trời chiếu đất và đói rét, bởi cả một đời tích cóp nhưng chỉ sau một đêm đã bị nước lũ cuốn trôi tất cả… Kinh hoàng hơn là những vụ sạt lở đất đã cướp đi tính mạng hàng trăm người dân và cán bộ chiến sĩ, có những người đang bị vùi lấp nhiều ngày mới tìm thấy. Có những ngôi làng bị xóa sổ chỉ sau một trận lũ quét như Nóc ông Đề ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam… V
à trong những ngày ấy, lòng nhân ái, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt đã khơi dậy phong trào ủng hộ, hướng về đồng bào miền Trung. Đi đến đâu, ngồi góc nào tôi cũng nghe thấy những câu chuyện chia sẻ đồng cảm với đồng bào miền Trung. Nghĩa đồng bào chứa đựng trên hàng ngàn chuyến xe chở hàng cứu trợ từ khắp mọi miền nườm nượp đổ về miền Trung yêu thương.
Nghĩa đồng bào như mệnh lệnh trái tim. Và những người làm báo Kinh tế & Đô thị đã thực hiện mệnh lệnh ấy bằng một hành trình sẻ chia đong đầy yêu thương hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt. Tại cuộc họp giao ban đầu tuần toàn cơ quan vào ngày 19/10/2020 (thời điểm miền Trung đang gồng mình trong bão lũ), Ban Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đã quyết định phát động chương trình “Chung tay ủng hộ đồng bào vùng lũ miền Trung”.
Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức đề nghị cho các phòng, ban gấp rút chuẩn bị để thực hiện ngay trong ngày hôm sau. 13 giờ ngày 20/10, báo Kinh tế & Đô thị phát động chương trình. Ngay sau đó, chương trình đã nhận được tấm lòng vàng của nhiều nhà hảo tâm, cá nhân, DN, trường học… trên địa bàn TP Hà Nội và cả nước.
Để kịp thời trao gửi những suất quà chứa nặng tình yêu thương, sẻ chia của đồng bào đến bà con miền Trung, đoàn công tác của báo Kinh tế & Đô thị do Phó Tổng Biên tập Lại Bá Hà làm Trưởng đoàn đã vượt qua cả ngàn cây số, nhiều cung đường sạt lở nguy hiểm đến vùng lũ. Đoàn đã trao 1.000 suất quà (tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng) đến tận tay bà con các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Xuyên suốt hành trình 5 ngày trao gửi yêu thương ấy, đi đến đâu, chúng tôi cũng cảm nhận được tình nghĩa đồng bào. Quên làm sao được hình ảnh nhiều người dân vùng lũ cầm trên tay suất quà mà mắt ngấn lệ. Quên làm sao được những cái bắt tay, lời cảm ơn chân thành của người dân. Tôi nhớ mãi tâm sự của chị Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Đối ngoại Công ty CP Việt Chào, một trong những đại diện nhà hảo tâm theo đoàn. Chị Oanh nói, đó là một chuyến đi thực sự ấm áp bởi mỗi người đã được trao gửi yêu thương tới đồng bào miền Trung ruột thịt.

Nghĩa đồng bào đã làm tất cả xích lại với nhau vì miền Trung ruột thịt!