Nghịch lý có tiền không tiêu được, nhiều bộ, ngành xin chuyển trả hơn 4.000 tỷ đồng

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do không giải ngân được, 7 bộ, ngành xin hoàn trả số vốn lên đến 4.099 tỷ đồng. Trong đó, Bộ NN&PTNT xin hoàn trả số vốn lớn nhất, lên đến 1.800 tỷ đồng; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin trả lại số vốn 1.135 tỷ đồng; còn lại một số bộ xin trả lại số vốn từ 87 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng.

Tại hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng năm 2020, tổ chức ngày 26/8, đại diện nhiều bộ, ngành xin chuyển trả lại vốn, dự kiến lên đến 4.149 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, sau 2 tháng thực hiện chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ các cấp, các ngành, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của các bộ đã tiến bộ, ước thực hiện tháng 8/2020 đạt 21,64% dự toán giao. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn rất thấp, thấp hơn mức bình quân chung giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2020 của cả nước.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, hiện nay các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài theo kế hoạch 2019 với giá trị là 2.420 tỷ đồng.
Bộ Tài chính nhận định, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các dự án trong nước, do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát (các dự án của ngành giao thông)…
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành đã báo cáo cụ thể tiến độ giải ngân các dự án vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Đại diện 7 bộ, ngành cho biết, do không giải ngân được, xin hoàn trả số vốn lên đến 4.099 tỷ đồng, trong đó, Bộ NN&PTNT xin hoàn trả số vốn lớn nhất, lên đến 1.800 tỷ đồng; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin trả lại số vốn 1.135 tỷ đồng; còn lại một số bộ xin trả lại số vốn từ 87 đến 500 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân theo đại diện Bộ NN&PTNT, trong quá trình thực hiện có 1 số vướng mắc xảy ra như dịch Covid-19 khiến các thủ tục kỹ thuật triển khai đấu thầu chưa thực hiện được. Bên cạnh đó các dự án nông nghiệp chủ yếu là nhỏ, nằm rải rác ở các địa phương nên chậm hơn so với tiến độ dự án, như cuối tháng 6 các địa phương mới bố trí được 69% vốn đối ứng địa phương.
Còn tại Bộ GTVT, dù tốc độ giải ngân đạt khá nhất, dự kiến đến hết tháng 8/2020 đạt khoảng 51% kế hoạch vốn giao; trong đó giải ngân vốn ODA đạt 41,7% nhưng so với kế hoạch đặt ra thì tỷ lệ giải ngân chưa đạt được như kỳ vọng, mục tiêu.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến các chuyên gia nước ngoài tới hỗ trợ kỹ thuật thiết kế… từ đó ảnh hưởng đấu thầu, giao thầu dự án chậm; một số dự án hoàn thành cần thời gian hoàn thiện thủ tục thanh quyết toán; hay thủ tục điều chỉnh chủ trương 1 số dự án kéo dài đã trình từ cuối 2019 nhưng đến tháng 8/2020 mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận…
Sau khi chuyển trả số vốn, các bộ, ngành cam kết sẽ giải ngân 100% số vốn còn lại trong năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần