Nghịch lý đội mũ bảo hiểm: Trẻ càng lớn, ý thức chấp hành càng kém

Bài, ảnh: Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi mô tô, xe máy, tỷ lệ trẻ em đội MBH vẫn còn quá thấp.

Đáng lưu ý, càng lớn trẻ càng có xu hướng chấp hành quy định này kém dần đi.

Nốt trầm trong hành trình thập kỷ

Sau 10 năm quy định bắt buộc đội MBH đi vào cuộc sống, Việt Nam đã thu được những kết quả đầy khích lệ. Tỷ lệ người đội MBH khi đi mô tô, xe máy vào năm 2007 chỉ đạt 6% thì đến năm 2008 đã tăng vọt lên đến 96% và trong suốt 10 năm qua vẫn duy trì ở con số trên 90%. Tỷ lệ người tử vong vì TNGT cũng giảm 12% và tỷ lệ người bị thương vì nguyên nhân tương tự cũng giảm tới 24% chỉ sau một năm áp dụng quy định đội MBH. Điều đáng mừng nhất là trong hành trình một thập kỷ qua, việc chấp hành quy định đội MBH của người dân cả nước đã có sự chuyển biến một cách rõ rệt. Từ việc chỉ coi đây là hành vi để đối phó với lực lượng chức năng, giờ đây việc đội MBH đã nâng lên thành ý thức tự giác, thành một thứ thói quen hàng ngày với người có ý thức khi tham gia giao thông.

Nhiều phụ huynh chở con đi học nhưng không cho con đội MBH.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những nốt trầm đáng suy nghĩ. Đó là tình trạng vẫn còn một bộ phận trẻ em khi ra đường vẫn chưa chấp hành quy định đội MBH. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, tính đến năm 2017, tỷ lệ trẻ em đội MBH khi tham gia giao thông mới chỉ đạt 35 – 40%, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Đánh giá về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT đặt câu hỏi: “Tại sao nhiều bậc cha mẹ vẫn để con em mình ngồi trên xe máy ra đường mà không đội MBH? Bình thường con số này chỉ là 30 – 40%, khi có đợt cao điểm kiểm tra thì cũng chỉ lên được 50 – 60%”.

Ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) khẳng định, thời gian qua, Bộ GD&ĐT vẫn liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường về quy định bắt buộc đội MBH khi đi mô tô, xe máy. Giai đoạn đầu các em học sinh, sinh viên chấp hành rất tốt quy định, song sau 10 năm nhìn lại, ý thức chấp hành cứ vơi dần.

Trẻ em học theo người lớn

Ông Phạm Văn Tư – Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hòa Bình, người hơn 10 năm gắn bó với công tác tuyên truyền, giáo dục về luật ATGT từng đưa ra một nhận định rất đúng đắn: Một trong những hoạt động diễn ra sớm nhất và gắn liền với cuộc đời mỗi người chính là tham gia giao thông. “Từ 2 - 3 tuổi khi chập chững biết đi, chúng ta đã bắt đầu tham gia giao thông, trong khi việc học văn hóa chỉ chính thức bắt đầu khi 6 – 7 tuổi. Vậy tại sao không đưa việc giáo dục luật giao thông cho trẻ em ngay từ lúc nhỏ?” - ông Tư phân tích.

Những năm qua, nhiều địa phương tổ chức rất nhiều hoạt động giáo dục luật giao thông gắn liền với nhà trường. Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Bá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ trẻ em đội MBH vẫn đang ở mức rất thấp. Đầu tiên là do khâu tuyên truyền, giáo dục vẫn chưa đạt hiệu quả cao nhất. Trẻ em ở bậc tiểu học chấp hành rất nghiêm túc nhưng càng lớn thì càng kém đi. Một nguyên nhân quan trọng khác là trẻ em học theo người lớn. Chỉ cần đứng ở cổng một trường tiểu học vào giờ tan trường có thể dễ dàng chứng kiến rất nhiều phụ huynh chở con nhưng không đội MBH cho con. Thậm chí có người còn chở 3 – 4 cháu trên xe, bản thân cũng không đội MBH.

Ông Dương Văn Bá cho biết, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ làm quyết liệt với các nhà trường và giáo viên, phụ huynh trong việc kiểm soát học sinh không đội MBH đến trường. Hiện nay, các trường đã có đội ngũ Cờ đỏ và cả giáo viên theo dõi tình hình, nhắc nhở những em học sinh vi phạm. Cùng với đó, “các cơ quan chức năng cần xử lý triệt để, quyết liệt hơn nữa những trường hợp học sinh không đội MBH. Nếu không phạt thì cũng cần giữ lại rồi yêu cầu phụ huynh đến để nhắc nhở. Chúng ta phải có biện pháp cưỡng chế trên tinh thần giáo dục thì mới có hiệu quả cao” - ông Bá nói.

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe máy vừa diễn ra, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trước đây từng có thông tin cho rằng việc đội MBH cho trẻ em có thể gây ảnh hưởng đến cột sống, khiến nhiều phụ huynh hoang mang và lo ngại. Trả lời câu hỏi của ông Hùng, đại diện Bộ Y tế khẳng định, MBH được sản xuất cho trẻ em đều được tính toán dựa trên các nghiên cứu về các chỉ số tiêu chuẩn không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Thế nên có thể khẳng định trẻ em 6 tuổi đội MBH đạt chuẩn hoàn toàn không bị ảnh hưởng tới cột sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần