Nghịch lý giá thịt lợn: Người chăn nuôi lỗ, người tiêu dùng thiệt

Theo Báo Quân đội Nhân dân
Chia sẻ Zalo

Có một nghịch lý là dù giá thịt lợn hơi thu mua từ các hộ chăn nuôi đã sụt giảm kỷ lục, có nơi chỉ còn khoảng 15.000 đồng/kg. Thế nhưng, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn rất cao, khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Nguyên nhân là khâu phân phối, tiêu thụ thịt lợn nói riêng và của ngành chăn nuôi nói chung còn tồn tại những bất hợp lý.

Nghịch lý
Theo khảo sát của phóng viên, tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, giá lợn xuất chuồng có trọng lượng từ 1 tạ/con trở lên chỉ có 1,5 triệu đồng/con mà không bán được. Nhưng giá thịt lợn bán đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao. Tại một số chợ dân sinh ở TP Hà Nội như: Chợ Châu Long (Ba Đình), chợ Thành Công (Đống Đa), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm)… tới hôm 3/5, mặc dù giá bán thịt lợn đã giảm so với những ngày trước, nhưng vẫn dao động 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Chị Bùi Thị Thủy (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) than thở: "Tôi theo dõi thông tin về tình hình giá lợn hơi xuất chuồng của bà con nông dân giảm rất mạnh từ 6 - 7 tháng nay, thế nhưng giá thịt bán tại chợ và các siêu thị vẫn cứ cao “ngất ngưởng”. Khi chúng tôi có thắc mắc thì tư thương hay nhân viên siêu thị trả lời là do phí giết mổ, vận chuyển, bảo quản cao nên không giảm giá bán lẻ được. Chính vì nghịch lý này mà ở khu phố nhà tôi, một số gia đình chuyển sang phương thức “đụng lợn”, nghĩa là mấy nhà cùng mua chung một con lợn ở quê, thuê giết mổ rồi bảo quản trong tủ đá để sử dụng dần".
Giá lợn hơi xuống thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, việc phân phối sản phẩm thịt lợn có quá nhiều khâu trung gian, vì thế sản phẩm thịt lợn khi đến tay người tiêu dùng đã bị đẩy giá lên mức cao bất hợp lý so với giá thu mua ban đầu từ người chăn nuôi. Cụ thể, lợn xuất chuồng được thu gom bởi các thương lái nhỏ lẻ. Sau đó, thương lái nhỏ bán lại cho thương lái lớn hơn. Từ đó, thương lái vận chuyển về lò mổ tính thêm chi phí bốc xếp, vận chuyển và ra đến chợ đầu mối, người bán lẻ phải trả tiền thuê sạp và các phí dịch vụ khác. 
Khi được hỏi vì sao giá lợn hơi xuất chuồng thấp nhưng giá thịt đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao, ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết: "Công ty chúng tôi thu mua lợn của người chăn nuôi rồi thuê giết mổ tại lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). Sau khi giết mổ, con lợn được pha lóc thành từng phần, trong đó 40% được bán với giá cao gồm thịt ba chỉ, nạc vai, mông… Số còn lại gồm xương cục, mỡ, nội tạng thì mức giá thấp". Nhận xét về giá bán thịt lợn ở các chợ cho người tiêu dùng, ông Dũng cho rằng, như vậy là còn cao. Với điều kiện giá thịt lợn hơi như hiện nay, theo ông Dũng, giá bán thịt chỉ ở mức 60.000 đồng/kg là hợp lý.
Ngoài vấn đề tồn tại nhiều khâu trung gian trong buôn bán, phân phối thịt lợn, ông Nguyễn Thành Trung - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT TP Hà Nội) cho biết, đang có tình trạng tiểu thương liên kết giữ mức giá cao hoặc nếu có giảm thì giảm không đáng kể, dù giá lợn hơi đang xuống rất thấp ở mức kỷ lục, chỉ còn trung bình 17.000 - 20.000 đồng/kg lợn hơi.
Với nghịch lý giá lợn như hiện nay, không chỉ người chăn nuôi, người bán thức ăn chăn nuôi chịu thua lỗ mà người tiêu dùng cũng phải chịu thiệt thòi khi mua với giá cao. Phần chênh lệch giữa giá bán tại chuồng với giá bán đến tay người tiêu dùng lại “chảy” vào túi bộ phận trung gian là các thương lái, tiểu thương. Như thế là khâu sản xuất và người tiêu dùng bị thiệt, còn khâu trung gian lại hưởng lợi.
Giá lợn xuống thấp khiến một số trang trại, người chăn nuôi thay vì bán cho thương lái hoặc đưa lợn ra lò mổ để giết thịt, họ đã tự giết mổ ngay tại trang trại, rồi đem sản phẩm thịt lợn trực tiếp bán cho người tiêu dùng để vừa giảm chi phí, vừa giảm thiệt hại. Tuy nhiên, cách làm này của các trang trại, người chăn nuôi chỉ là biện pháp tình thế mà chưa mang tính bền vững, lâu dài.
Làm gì để giải quyết nghịch lý giá?
Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết: Hiện nay, trong chuỗi giá trị sản phẩm từ chăn nuôi đến phân phối tới tay người tiêu dùng thì người bán lẻ thu lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, do việc phân phối thịt lợn theo quy mô nhỏ lẻ, số lượng thịt lợn mà mỗi tiểu thương bán ra hằng ngày không nhiều, chỉ 0,5-1 con/ngày nên khi giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh thì tiểu thương vẫn không muốn giảm giá bán thịt lợn. Bởi nếu giảm giá bán lẻ, họ sẽ bị giảm tiền lãi, số tiền thu được mỗi ngày không còn nhiều và đương nhiên họ không muốn điều này. Nguyên nhân nữa khiến cho tiểu thương có cơ hội “làm giá” chính là do thói quen tiêu dùng thịt "nóng" của người dân (thịt lợn giết mổ bán trong ngày). Nếu người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thịt "mát", thịt cấp đông của các công ty thì vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa dễ quản lý giá hơn.
Để giải quyết những bất cập hiện nay của giá thịt lợn trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng nên tiến hành vận động các thương lái, tiểu thương chấp nhận giảm lãi để giảm giá bán thịt lợn trên thị trường. Cùng với đó, cần có chế tài, các công cụ thị trường để kiểm soát giá bán lẻ, bởi hiện nay giá bán lẻ thịt lợn được hoàn toàn thả nổi, chưa có quy định ràng buộc người bán lẻ phải giảm giá khi giá thu mua nguyên liệu đầu vào thấp. Nếu giá bán lẻ giảm xuống thì sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng, giải tỏa bớt khó khăn cho ngành chăn nuôi.
Về lâu dài, để lành mạnh hóa thị trường thịt lợn, bảo đảm hài hòa các lợi ích thì cần phải tổ chức lại khâu phân phối, giảm bớt khâu trung gian. Đồng thời, tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi giá trị, liên kết từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và có sự cam kết về giá cả đầu ra ổn định.
Đã đến lúc, ngành nông nghiệp, ngành công thương cùng các cơ quan chức năng cần phải phối hợp để tổ chức lại thị trường, đặc biệt là các kênh phân phối, lưu thông đối với sản phẩm thịt lợn nói riêng và hàng hóa nông sản nói chung nhằm khắc phục nghịch lý về giá nói trên. Việc làm này không chỉ đem lại lợi ích cho người nông dân, người chăn nuôi, người tiêu dùng mà còn góp phần xây dựng ngành chăn nuôi và ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần