Nghiêm minh chống tham nhũng

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội sáng 22/5, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) nhấn mạnh, cử tri rất quan tâm đến vấn đề tham nhũng, đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng. “Đi đến đâu cử tri cũng hỏi thu hồi được bao nhiêu rồi?”, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. Có dự án nhỏ ở vùng cao thôi nhưng thất thoát lãng phí bằng cả đóng góp của một Đảng bộ huyện trong 150 năm - nghĩa là mất 150 năm mới bằng số tiền thất thoát tham nhũng”.

 Đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) 
Ở một tổ thảo luận khác, 2 vị tư lệnh ngành giao thông và tài chính đề cập đến BOT, trong bối cảnh Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán với kiến nghị giảm 120 năm thu phí của 40 dự án BOT. "Thời gian qua trạm thu giá BOT rất nóng, chưa lúc nào nóng như năm 2017, nhưng đây là sản phẩm của giai đoạn trước, nhiệm kỳ trước" - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể bày tỏ và cũng rất lạc quan: Với những giải pháp Chính phủ chỉ đạo chúng tôi có niềm tin những vấn đề liên quan BOT trong giai đoạn sắp tới sẽ được giải quyết ổn. Trong khi đó, về vấn đề vốn đầu tư cho các dự án, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nếu cộng vốn ODA và vốn khác thì con số này có thể vượt ngưỡng.
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước quyết toán ngân sách năm 2016 gửi đến kỳ họp lần này đã chỉ ra hàng loạt sai phạm. Theo đó, số tiền phải xử lý tài chính lên tới gần 100.000 tỷ đồng. Hàng loạt các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, hàng loạt DN Nhà nước “né” 19.000 tỷ đồng tiền thuế, còn tình trạng nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng chưa thi công hoặc không đúng thực tế... Nhiều địa phương chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai nguồn kinh phí để bổ sung chi thường xuyên...

Nói vậy để thấy, sai phạm vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi và phải để đi đến tận cùng, xử lý như thế nào, phải xem xét để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đây không chỉ là việc chúng ta chống mà giá trị lớn hơn là phòng ngừa tham nhũng, lãng phí cho những hoạt động tiếp theo trong tương lai. Không thể để căn bệnh lãng phí, thất thoát, tham nhũng thành mãn tính. Thông điệp quyết liệt chống tham nhũng đã được T.Ư quán triệt, coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu làm đến nơi đến chốn, không có vùng cấm. Tuy nhiên, thời gian tới, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần quyết liệt hơn nữa.

Cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đều tham dự phiên thảo luận tổ đầu tiên của kỳ họp này... đều ghi nhận mặc dù còn nhiều tồn tại và khó khăn của nền kinh tế, nhưng vẫn luôn kiên định với những mục tiêu đặt ra, mong muốn tăng trưởng cao, bền vững để phục vụ cho đầu tư, an sinh xã hội. Trong năm 2018, bên cạnh công cuộc phát triển kinh tế vững mạnh sẽ song hành cuộc chiến chống tham nhũng triệt để, bảo toàn những thành quả kinh tế - xã hội đạt được.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đánh giá vấn đề tội phạm xảy ra thời gian qua khiến dư luận bức xúc, đặc biệt khi tội phạm nằm ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm. Điển hình như vụ đánh bạc trên mạng nghìn tỷ đồng liên quan đến nhiều cán bộ C50 - Bộ Công an đã cho thấy đánh bạc nằm ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao. Ở câu chuyện này có 2 luồng dư luận, một luồng hoan nghênh đã cương quyết xử lý nghiêm, còn một luồng thì lo lắng khi xảy ra ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, vị đại biểu tin tưởng rằng dư luận nghiêng về ý kiến đầu tiên nhiều hơn.