Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng: Chậm đổi mới sẽ tụt hậu

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù mỗi năm Việt Nam cho ra đời hàng trăm loại giống cây trồng nhưng đến nay, 80% giống rau vẫn phải nhập khẩu, chỉ có 16 giống hoa, giống rau mới được công nhận. Thực trạng này đòi hỏi ngành nông nghiệp cần sớm có giải pháp đổi mới công tác nghiên cứu, chọn tạo giống để bảo đảm phát triển sản xuất hiệu quả.

 Ảnh minh họa.

Vẫn phụ thuộc nhập khẩu

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ năm 2010 đến nay, ngành chức năng đã công nhận được 685 giống cây trồng (248 giống được công nhận chính thức, 437 giống sản xuất thử). Trong đó, chỉ riêng giống lúa được công nhận chính thức là 180 giống; giống ngô công nhận chính thức 40 giống ngô lai và 56 giống sản xuất thử. Trong khi đó, các giống rau, giống hoa được công nhận còn khiêm tốn, sau 10 năm, mới công nhận chính thức và sản xuất thử 16 giống hoa.
Không phủ nhận ngành sản xuất giống đã góp phần quan trọng, tạo động lực cho ngành nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng, thúc đẩy xuất khẩu, hình thành hệ sinh thái canh tác hiện đại. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu, chọn tạo giống thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu thì ngành này sẽ tụt hậu.

Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam Trần Đình Long

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, là địa phương có nhiều lợi thế trong sản xuất giống rau, hoa, song đến nay, 80% giống rau, hoa trên địa bàn TP vẫn đang nhập khẩu từ nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan… Thực tế, nhiều DN giống cây trồng chỉ tập trung nhập khẩu giống về đóng gói hoặc sản xuất gia công hạt giống để kinh doanh, rất ít DN trực tiếp làm công tác nghiên cứu, lai tạo giống mới. Không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh, TP trên địa bàn cả nước, việc nhập khẩu giống hoa, giống rau cũng phổ biến. Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Trương Đức Phú chia sẻ, hiện có đến 90% giống rau, hoa trên địa bàn được nhập khẩu từ hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 500 - 700 triệu USD để nhập giống cây trồng các loại, riêng nhập khẩu giống rau khoảng 70 - 90 triệu USD/năm. “Dù các viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam được đánh giá không thua kém các nước trong khu vực, song việc sản xuất giống vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chính là lĩnh vực nghiên cứu giống chưa được quan tâm đúng mức, nhiều giống được nghiên cứu thành công nhưng chất lượng và giá cả khó cạnh tranh với giống nhập khẩu” – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt cho hay.

Huy động sức mạnh của doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống chủ yếu tập trung vào những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh. Một số giống mới được công nhận nhưng chưa được sử dụng rộng trong sản xuất. Đáng nói, tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất một số cây trồng, vật nuôi chưa đạt mục tiêu đề ra. Các địa phương còn tồn tại hiện tượng người sản xuất sử dụng giống cây trồng chưa đúng quy chuẩn kỹ thuật nên năng suất, chất lượng chưa cao. Các thành phần kinh tế còn ít đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống; mối liên kết giữa các cơ quan khoa học với các thành phần kinh tế trong nghiên cứu, sản xuất giống còn thiếu chặt chẽ.

Để tháo gỡ khó khăn nhằm chủ động được nguồn giống chất lượng bảo đảm phục vụ sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các đơn vị, DN hoạt động lĩnh vực này cần nhạy bén với thị trường. Trong đó, cần có cuộc cách mạng trong tổ chức, quản lý, đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, thương mại hạt giống; gắn các viện nghiên cứu với DN. Cùng với đó, tổ chức tốt hệ thống sản xuất hạt giống cộng đồng có sự tham gia của người dân với hướng dẫn của các nhà khoa học. "Kinh doanh giống cây trồng là lĩnh vực tạo lợi nhuận cao, bởi vậy, cần coi đây là một “mắt xích” quan trọng trong chiến lược phát triển. Điều quan trọng là phải huy động được sức mạnh của DN trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống để sản xuất sao cho phù hợp nhu cầu thị trường” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần