Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng: Hiệu quả chưa xứng tiềm năng

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng. Tuy nhiên, do khâu sản xuất giống thiếu bài bản, đầu tư ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế… nên hiệu quả chưa xứng với tiềm năng.

Hà Nội vẫn đang nhập khẩu 100% giống hoa lily từ nước ngoài. Ảnh: Ánh Ngọc
Số lượng chưa song hành chất lượng
Trong những năm gần đây, thông qua các chương trình, đề án, dự án của TP triển khai và sự năng động của DN, HTX đã có nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được chọn tạo hoặc nhập nội. Hầu hết là những giống có ưu thế đã được áp dụng trên diện rộng, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Bên cạnh đó, một lượng lớn giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống đầu dòng, giống bố mẹ hạt lai được sản xuất từ các dự án đã được DN, tổ chức, cá nhân tiếp nhận để nhân các cấp giống tiếp theo, cung cấp cho sản xuất đại trà.
Nhằm góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thủ đô, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội vừa đề xuất Sở NN&PTNT phê duyệt dự án xây dựng, mở rộng Trạm khảo nghiệm, thực nghiệm sản xuất giống cây trồng ứng dụng công nghệ cao ở xã Hòa Bình (huyện Thường Tín). Dự án được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng của TP.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội, mỗi năm ngành nông nghiệp cung ứng ra thị trường khoảng 1,3 triệu cây giống ăn quả, 60.000 cây giống hoa nuôi cấy mô, 50 tấn khoai tây giống, 100.000 cây giống hoa cúc, hoa hồng và 100.000 cây giống rau các loại. Bên cạnh đó, lựa chọn từ 2 - 3 giống cây trồng chất lượng cao đưa vào cơ cấu giống của TP; duy trì, bảo tồn từ 8 - 10 giống cây ăn quả đặc sản. Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng của TP vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Hiện nay, Hà Nội có hơn 110 cơ sở kinh doanh giống cây trồng, nhưng lượng giống sản xuất đạt quy chuẩn kỹ thuật mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu giống cây trồng của toàn TP. Cụ thể, giống lúa đáp ứng 70%, giống cây ăn quả đáp ứng từ 30 - 40%. Đáng nói, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn TP tuy có nhiều nhưng đa số chưa đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Bộ NN&PTNT, sản xuất giống tự phát không theo quy chuẩn. Các giống hoa (hồng, cúc, đồng tiền, đào) chủ yếu tự sản xuất trong nước, còn lại các giống hoa giá trị kinh tế cao như hoa lan, lily... vẫn phải phụ thuộc nhập khẩu.

Huy động sự tham gia của doanh nghiệp

Giống là một trong những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, do đó, đòi hỏi phải có các cơ sở sản xuất đảm bảo năng lực và cung ứng lượng giống đạt phẩm cấp cao. So với cả nước, Hà Nội là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực tế, trên địa bàn TP đã xuất hiện một số trang trại, hộ gia đình đưa các giống cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế vượt trội. Song, việc đầu tư cho sản xuất giống cây trồng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trình độ kỹ thuật cao, sản xuất có nhiều rủi ro, vì vậy, số tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư còn rất khiêm tốn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho rằng, TP cần có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là DN đầu tư sản xuất giống cây trồng. Cùng với đó, TP cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và cung ứng giống cây trồng công nghệ cao nhằm cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn theo quy định. Từ đó, làm cơ sở cung cấp cho vùng sản xuất hàng hóa nông sản của TP, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tạo ra được những sản phẩm năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh, an toàn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng Thủ đô. Đây không chỉ là nhu cầu cấp bách mà còn là động lực để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần