Nghiên cứu phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm tài nguyên đất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng; nghiên cứu áp dụng các mô...

Kinhtedothi - Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng; nghiên cứu áp dụng các mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm tài nguyên đất đai. Đây là ý kiến đóng góp của đồng chí Trương Quang Nghĩa, UVT.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng ngày 3/6.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, thời gian quan Bộ đã tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước ngành Xây dựng theo cơ chế thị trường định hướng XHCN với những quan điểm có tính đột phá như: Đổi mới nhằm thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong lĩnh vực xây dựng; xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh và tạp lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phải tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý thống nhất của Nhà nước để kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực của Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng…
Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Ban Kinh tế TW với Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng.
Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Ban Kinh tế T.Ư với Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng.
Về công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chi phí xây dựng vẫn còn những hạn chế, đó là tình trạng thất thoát, lãng phí  trong đầu tư xây dựng vẫn khá phổ biến nhưng chậm được khắc phục; chất lượng nhiều công trình xây dựng còn thấp…

Để giải quyết vấn đề này, Bộ cũng đã nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư như: Chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần; tăng cường quản lý chất lượng các công trình trọng điểm, công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình có quy mô lớn, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng; tăng cường công tác quản lý chi phí xây dựng công trình, tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các định mức kinh tế - kỹ thuật; đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra chuyên ngành xây dựng…

Về công tác lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị đã thu được nhiều kết quả tích cực, khu vực đô thị thường xuyên đóng góp khoảng trên 70% tổng thu ngân sách cả nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của mỗi địa phương, vùng miền và trong cả nước.

Bên cạnh đó công tác quản lý phát triển đô thị cũng còn nhiều vấn đề hạn chế bất cập như: Hệ thống phát triển đô thị phát triển nhanh về quy mô nhưng thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phát triển đô thị mới chỉ theo quy hoạch mà chưa có kế hoạch, chưa cân đối các nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn, dẫn đến lãng phí các nguồn lực nhất là tài nguyên đất đai, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản…

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Trước tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản, Bộ đã chủ động tổ chức làm việc với các bộ, ban, ngành đánh giá thực trạng thị trường. Một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là phải khắc phục được sự lệch pha cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý, sao cho các sản phẩm bất động sản chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người mua.

Chính vì vậy, bộ Xây dựng xác định quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 nhằm đa dạng hóa sản phẩm bất động sản nhà ở, trong đó trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, hướng tới người nghèo, để sản phẩm bất động sản đến với mọi đối tượng. Trên cơ sở đó, Bộ đã đề xuất 6 nhóm giải pháp tháp gỡ khó khăn thị trường bất động sản, gồm cả giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài: hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước; bảo đảm thị trường phát triển ổn định theo quy hoạch, đảm bảo cân đối cung - cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; rà soát, điều chỉnh cơ cấu các dự án bất động sản; giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng; điều chỉnh chính sách thuế, tài khóa; các giải pháp cho doanh nghiệp bất động sản; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thông tin, củng niềm tin cho thị trường…

Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Trương Quang Nghĩa, UVT.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư đánh giá cao những nỗ lực đổi mới của ngành Xây dựng thời gian qua. Đồng chí cho rằng những nỗ lực, nhất là việc cải cách hành chính đã được xã hội, người dân ghi nhận.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Xây dựng vẫn còn nhiều việc cần phải tiếp tục như: Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng; nghiên cứu áp dụng các mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm tài nguyên đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và các nguồn lực xã hội… Bên cạnh đó, đồng chí Trương Quang Nghĩa cũng đề cập đến một số vấn đề trọng tâm của ngành như: Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho xây dựng nhà ở xã hội; vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước lĩnh vực Xây dựng; Vấn đề triển khai phương thức BOT; vấn đề quản lý đầu tư lĩnh vực xây dựng…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần