Nghiên cứu quy định không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 cho biết, thời gian qua, các văn bản chính sách pháp luật về ATTP được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời; từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP; hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP đã được quan tâm ban hành đồng bộ hơn phục vụ yêu cầu quản lý ATTP...
 Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng 
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, thì việc ban hành VBQPPL về ATTP trong thời gian qua cũng bộc không ít tồn tại và hạn chế; trong đó đáng lưu ý là nhiều văn bản ban hành chậm và còn thiếu, chưa thực sự phù hợp, chưa được hệ thống hóa, còn chồng chéo, quy định phân công trách nhiệm cho các cơ quan đơn vị chưa thực sự khoa học và rõ ràng, cần phải sớm khắc phục trong thời gian tới.
Đánh giá về việc thực hiện các chính sách, pháp luật, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nêu rõ, nhìn chung việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP đã có bước chuyển biến tích cực về cả về nhận thức và hành động; cơ sở đủ điều SXKD thực phẩm tăng lên, hình thành nhiều vùng sản xuất thực phẩm an toàn và cơ sở kinh doanh theo chuỗi giá trị đã đóng góp tích cực vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam; đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng ngày càng cao về ATTP của hơn 160 thị trường nước ngoài, trong đó có các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc….
Nhiều loại nông sản như: gạo, chè, cà phê, hạt tiêu...của Việt Nam đã đứng vào tốp đầu trong các nước xuất khẩu trên thế giới. ATTP đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người Việt Nam (Kết quả điều tra dân số lần thứ nhất tháng 3/1960, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 48 tuổi1, đến năm 20102 là trên 72 tuổi, năm 2015 đã tăng lên đến 74 tuổi).
Công tác chỉ đạo, phối hợp liên ngành và quy trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý ATTP đã được xác định rõ hơn. Hoạt động quản lý ATTP từ trung ương đến địa phương được tăng cường cả về tổ chức bộ máy và nguồn lực thực hiện, thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh. Đã quan tâm nhiều hơn tới việc nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, điều kiện sản xuất, kinh doanh, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của doanh nghiệp; đã có nhiều vùng sản xuất rau sạch, chăn nuôi an toàn được quy hoạch và đưa vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng nêu một số hạn chế yếu kém như: công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp quản lý ATTP của Chính phủ, các Bộ ngành, UBND các cấp chưa được thường xuyên; nguồn lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị cho công tác quản lý ATTP còn hạn chế.
Việc kiểm soát ATTP theo chuỗi còn hạn chế, chủ yếu mới tập trung vào nguồn lực cho công tác kiểm soát điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở; việc kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa được chú trọng nên rất khó đánh giá mức độ ATTP.
Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe; Việc phân tích, đánh giá và quản lý nguy cơ đối với ATTP còn nhiều bất cập; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn hầu như chưa được thực hiện; Quản lý ATTP đối với sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thủ công còn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu; Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa được chú trọng đúng mức...
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém trong việc bảo đảm ATTP đối với phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe người dân hiện tại cũng như trí tuệ, thể lực trong tương lai, Đoàn giám sát của UBTVQH đã đề xuất 3 nhóm giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách; tổ chức thực hiện; và nguồn lực.
Trong đó, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị, sớm tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự,…để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống VBQPPL về ATTP nhằm góp phần nâng cao hiệu lực pháp lý, thống nhất và đồng bộ.
Bộ luật Hình sự cần được sửa đổi theo hướng cương quyết xử lý đối với các hiện tượng cố tình vi phạm sau khi đã xử phạt hành chính; sớm ban hành Luật quản lý thực phẩm chức năng, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, trước mắt cần sớm có quy định kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bia và nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển rượu bia không đăng ký kinh doanh, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP. Nghiên cứu để đưa ra giải pháp như các nước tiên tiến đã làm là không bán cho người dưới 18 tuổi.
Tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc đảm bảo ATTP trên địa bàn, đặc biệt là việc kiểm soát ATTP thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng rượu, bia, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng; tiếp tục triển khai các mô hình vùng nguyên liệu an toàn, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập lậu, đặc biệt là các tỉnh biên giới. Đẩy mạnh công tác xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất ATTP; cơ sở giết mổ tập trung, chợ đầu mối nông sản...