Nghiên cứu tổng thể phương án chống biến đổi khí hậu tại Hà Nội

Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/4, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chủ trì tọa đàm với các chuyên gia đến từ Na Uy và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tác động đến TP Hà Nội.

Cùng dự có, ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam, cùng đại diện các ngành chức năng TP.

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Luca Garre, nghiên cứu viên cao cấp đại diện nhóm nghiên cứu KT&NC (đoàn tư vấn Na Uy) đã thuyết trình với lãnh đạo TP Hà Nội về kết quả nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai của đơn vị đã được triển khai thành công trên một số TP lớn trên thế giới...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi tọa đàm Nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tác động đến TP Hà Nội.
Từ đó, nhóm nghiên cứu mong muốn được lập bản đồ tổng thể về biến đổi khí hậu của Hà Nội, trên cơ sở thu thập, phân tích những thông tin về khí hậu, thủy văn, mưa bão... mục đích nhằm chỉ ra những khu vực có nguy cơ ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, xây dựng kịch bản, đề xuất những giải pháp để tăng năng lực ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, đồng thời giúp tối ưu hóa hiệu quả đầu tư chống biến đổi khí hậu... TS Luca Garre mong muốn, TP Hà Nội cần có cơ chế cung cấp thông tin, dữ liệu liên quan để nhóm nghiên cứu sâu hơn các vấn đề về khí hậu của Hà Nội.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick bày tỏ, sẽ quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực khí hậu không chỉ cho Hà Nội mà cho cả các quốc gia khác. Đồng thời đề nghị, TP Hà Nội cho biết cụ thể những lĩnh vực nghiên cứu là gì? khả năng và mức độ rủi ro... “ADB mong muốn hợp tác chặt chẽ và cụ thể hơn với TP Hà Nội. Về phía Hà Nội chỉ định đầu mối liên lạc để cùng hợp tác”, ông Eric Sidgwick nói

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội có địa hình thoải dần từ Tây sang Đông, Bắc xuống Nam, nằm ở độ cao từ 5 - 20 mét so với mực nước biển. Theo dự báo, đến năm 2100 nước biển có thể dâng 1 mét, cực đoan có thể lên 4 mét, do đó Hà Nội không chịu tác động nhiều của nước biển dâng. Vấn đề đặt ra đối với Hà Nội là việc ứng phó với diễn biến khí hậu và thời tiết cực đoan hóa, như mùa đông lạnh hơn, mùa hè nóng hơn, mùa khô khô hơn và mùa mưa thì mưa nhiều hơn...

Hà Nội cũng có 6 dòng sông, trong những năm qua đã bị tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, từ xói lở, hạ thấp mực nước... Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trong những năm qua Hà Nội đã có những giải pháp chống biến đổi khí hậu, nhưng về tổng thể chung trên toàn TP thì chưa có, do đó việc đánh giá tổng thể tác động biến đổi khí hậu đối với TP Hà Nội, đề xuất những giải pháp ứng phó là rất cần thiết.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị, sau buổi tọa đàm, nhóm KT&NC cần có nghiên cứu sơ bộ về Hà Nội, từ đó đề xuất những nội dung nghiên cứu sâu, phối hợp với Hà Nội báo cáo với ADB để thống nhất triển khai thực hiện; giao Sở Ngoại vụ làm đầu mối phối hợp với đơn vị tư vấn cần có nghiên cứu sơ bộ về những nội dung nêu trên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần