Nghiêng mình với kiến trúc thách thức thời gian ở đền Phù Đổng, Hà Nội

Bài và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến đền Phù Đổng hay còn gọi là đền Gióng, Gia Lâm, Hà Nội, du khách sẽ phải nghiêng mình trước những công trình kiến trúc thách thức với thời gian và được ôn lại những câu chuyện truyền thuyết, những trang vàng lịch sử chói lọi của dân tộc.

 Nằm nép mình dưới đường đê, đền Gióng ngự trên một khu đất đẹp, tương truyền được xây dựng trên chính nền ngôi nhà cũ nơi Gióng sinh ra.
 Trước đây, nơi này chỉ là một thảo am nhưng vua Lý Thái Tổ khi dời đô ra Thăng Long đã cho xây dựng thành một ngôi đền khang trang. 
 Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền hiện tại chủ yếu là những mảnh ghép của những công trình thời Lý, thời Lê Trung Hưng, thời nhà Nguyễn và có cả những phần mang màu sắc đương đại. 
 Hiện vật đáng quý ở đây là đồi rồng đá cách điệu làm bậc thềm, nét chạm khỏe và phóng khoáng; đôi sư tử đá tạc từ đời Lê Dụ Tông (1705). Thềm đền trang trí hình rồng. Ngai thờ thuộc thời Lê khá đẹp. 
 Đôi chóe sứ cổ, tương truyền là do ái phi Đặng Thị Huệ tiến cuối thế kỷ XVIII. Ngoài ra còn có bia câu đối của Nguyễn Du, Cao Bá Quát ... 
 Trước đền có thủy đình nằm trong hồ bán nguyệt, được xây dựng từ thời Lý. Thủy đình nằm ở giữa ao đình, có mặt bằng hình vuông, với hai tầng, 8 mái, lợp ngói mũi hài. Các bộ vì có kết cấu chồng rường giá chiêng, hoành mái được phân khoảng theo kiểu thượng tam, hạ tam. Hệ mái tì lực trên 4 hàng chân cột.
Nghiêng mình với kiến trúc thách thức thời gian ở đền Phù Đổng, Hà Nội - Ảnh 7
 Cổng ngũ môn (năm cửa) với 3 cửa chính và 2 cửa phụ, mang dáng dấp đồ sộ như một cổng thành, được xây bằng gạch, các khuôn cửa đều có cấu tạo dạng vòm cuốn, cánh cửa kiểu thượng song, hạ bản. 
 Trên cổng là tòa nhà kiểu 2 tầng 8 mái. Màu thời gian như dồn tụ lại nơi đây khi bạn khẽ chạm tay vào những viên gạch của cổng đền. Màu của quá khứ của lịch sử đến hơn 100 năm có lẻ. 
 Ngay sau cổng chính là Phương đình- tòa nhà 2 tầng 8 mái, lợp ngói mũi hài, có mặt bằng nền hình vuông, bờ nóc, bờ dải đắp hình hoa chanh, hoa văn hình học, 8 góc đao gắn hình lá lật. 
 Hệ khung mái được đỡ bởi 4 hàng cột, kết cấu vì dạng thượng rường, hạ cốn.
 Nhìn từ phía ngoài, nhà tám mái không lớn, nhưng nếu có một ống kính góc rộng, nằm ngửa ra giữa nhà mà chụp thì chắc chắn bạn sẽ thấy rõ sự kỳ vĩ của nó. Dưới mỗi góc độ lại hiện ra một hình thù rất khác.
 Tiếp đến là Tiền tế và Trung tế đều 5 gian, 2 dĩ, nơi thực hiện các nghi lễ. 
 Hậu cung có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Công. Đây là nơi đặt bức tượng Gióng cao hơn 2m, được tạc từ cách đây trên 100 năm. Bên cạnh có hai hàng tượng gồm 6 quan văn võ, 2 người hầu đứng, 2 phỗng quỳ và 4 lính hầu. 
 Tả mạc, hữu mạc là 2 dãy nhà, mỗi bên 9 gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ khung mỗi tòa gồm 10 bộ vì kiểu thượng giá chiêng, hạ cốn, bẩy hiên.
 Nhà khách có mặt bằng hình chữ Nhất, tường hồi bít đốc, hệ thống cửa bức bàn, hai đầu bờ nóc đắp rồng lá cách điệu. Bộ khung gồm 4 bộ vì, được kết cấu theo kiểu chồng rường giá chiêng, mái phân khoảng hoành kiểu thượng tam, hạ ngũ. Hệ khung mái tì lực trên 3 hàng chân cột.
 Nhà giám có mặt bằng dạng chữ U, gồm cung chính và 2 dãy nhà ngang hai bên. Cung chính gồm 5 gian, 2 dĩ, mái lợp ngói mũi hài,  6 bộ vì gỗ được kết cấu theo kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ ngồi, bẩy hiên, tì lực trên 6 hàng chân cột.
 Trong đền còn chiếc giếng cổ nước xanh trong, rong rêu xanh tốt, cá vàng tung tăng.
 Ngựa sắt cùng cặp chiêng trống có đường kính lên tới 1,2m được trưng bày, sử dụng vào mùa lễ hội nhằm tái diễn trận chiến anh hùng của Thánh Gióng được lưu giữ ở đây.
 Khắp không gian đền Phù Đổng Thiên Vương có cái thâm trầm, uy nghiêm, lại có cái thanh tịnh phảng phất. Trầm mặc mà vẫn có nét thanh tao. 
 Về với đền Gióng hôm nay, du khách không chỉ nhớ về lịch sử của cậu bé sau ba năm đã vụt lớn để trở thành người anh hùng vung gậy sắt, nhổ từng khóm tre đánh giặc; mà hơn hết, còn là để tìm lại những phút lắng hồn với lịch sử giữa nhịp sống tất bật hôm nay.