Nghiệp dắt trẻ qua đường

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không cần ai nhắc, không cần một lời cám ơn, 6 năm nay, ông Vũ Văn Quang, ở phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây vẫn đều đặn mỗi ngày dắt các cháu học sinh trường Tiểu học Trung Sơn Trầm qua đường an toàn.

Ám ảnh từ vụ tai nạn
Mặc dù đã có biển báo cấm đi ngược chiều, nhưng đoạn qua phường Trung Sơn Trầm (thuộc tuyến QL 21A) vẫn có những chủ phương tiện cố tình vi phạm. Đây là đoạn đường mà gần 900 học sinh của trường Tiểu học Trung Sơn Trầm hàng ngày tới lớp. Vậy nên, cứ mỗi ngày 2 buổi, trưa (10 giờ - 10 giờ 45) và chiều (16 giờ 15 - 17 giờ), ông Quang đều đặn có mặt ở cổng trường để làm nhiệm vụ của mình. “Tôi đến trước 30 phút để hướng dẫn cho cha mẹ học sinh đón. Nhóm có 3 người. Một người đứng bên kia đường, hai người đứng bên này đường. Tôi trực tiếp đưa các cháu qua đường” - ông Quang chia sẻ.

“Dắt trẻ qua đường” là công việc thường ngày của ông Vũ Văn Quang trong suốt 6 năm nay.     Ảnh: Trần Thảo

Khi tiếng trống trường điểm, cũng là lúc học sinh hối hả như bầy ong vỡ tổ trên đường. Em đi bộ, em đi xe đạp, chen chúc, rối loạn cùng dòng người qua lại. Lúc ấy, ông Quang lại tay cầm gậy, miệng thổi còi liên hồi, vội vàng chạy theo đưa những đứa trẻ sang đường an toàn. Chưa kịp sang bên này đường, ông lại nghe thấy tiếng gọi với: “Ông ơi, cho con sang đường ạ!” của bé Đỗ Minh Anh (lớp 3B).

Ba năm đến trường là chừng ấy thời gian bé Minh Anh cùng các bạn học sinh được ông miệt mài dắt qua đường. “Mỗi ngày con đều nhờ ông Quang dắt qua đường. Không chỉ con mà còn nhiều bạn nữa, có ông, chúng con mới dám qua” - bé Minh Anh chia sẻ.

Câu chuyện giữa chúng tôi với ông liên tục bị gián đoạn bởi những em học sinh hiếu động sang đường, hay có tốp học sinh chùn chân không dám qua trước dòng phương tiện. “Tuyến đường này khá hẹp, không có đèn tín hiệu, lượng xe qua lại lớn, chạy tốc độ nhanh nên luôn Nên thu thuế xe tải lưu thông trong nội đô. Hồi đầu mới làm việc này, nhiều người bảo tôi rằng, đây là nhiệm vụ của bảo vệ. Nhưng làm lâu, tôi thấy quen dần và bỏ ngoài tai những câu nói đó” - ông Quang nhớ lại.

Đưa tay gạt những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên khuôn mặt sạm nắng gió, ông bảo: “Đối với tôi có lẽ việc đang làm bây giờ là niềm tự hào, niềm vui sướng nhất, vì xuất phát từ cái tâm, cái đức”. Vui vì trong mắt bọn trẻ, ông là “chú bảo vệ”. Tuy nhiên, không ít chuyện buồn từ “nghiệp đưa đường” khiến ông ám ảnh. “Trước kia, tôi đã từng chứng kiến cảnh các cháu học sinh bị TNGT ở tuyến đường Bệnh viện 105. Từ đó, tôi tự nguyện đảm nhiệm công việc này để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh” – ông chia sẻ.

Làm việc bất kể mưa nắng

Ông Vũ Văn Quang vốn là Thiếu tá quân đội. Năm 2011, ông nhận công tác tại phường Trung Sơn Trầm và làm bảo vệ dân phố từ đó đến nay. Trong Ban Bảo vệ dân phố, ông là người cẩn thận nhất nên Trưởng ban Bảo vệ cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh trường Tiểu học Trung Sơn Trầm động viên ông tiếp tục làm công việc này. Công việc của ông chỉ diễn ra trong khoảng 45 phút/lần, từ lúc tan trường, từng tốp học sinh lần lượt nối đuôi nhau theo chân ông sang đường. Khi không còn cháu nào sang đường, ông mới an tâm trở về nhà trên chiếc xe đạp cũ.

Từ đó đến nay đã 6 năm, chưa có một trường hợp xấu nào xảy ra. Người dân ở phường Trung Sơn Trầm không còn nỗi lo canh cánh để trẻ mỗi ngày qua đường. Theo các phụ huynh học sinh, ngày nào, ông Quang cũng có mặt ở đây, chẳng kể nắng mưa. Không có ông đưa học sinh sang đường thì phụ huynh cũng lo lắm. Bà Lê Thị Thanh Xuân - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Sơn Trầm cho biết: “Trường nằm sát quốc lộ, lúc nào cũng tấp nập xe cộ. Từ khi có ông Quang dắt trẻ qua đường, ai cũng biết ơn”.

Ông Phùng Văn Phúc - Chủ tịch UBND phường Trung Sơn Trầm chia sẻ, 6 năm nay, ông Quang luôn tận tụy với nhiệm vụ “dắt trẻ qua đường”. Đồng thời, ông cũng tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh khi đến đón các con phải có ý thức về trật tự văn minh đô thị để đảm bảo an toàn cho các con. Chủ tịch UBND phường cho biết thêm, QL 21A còn khoảng 500m chưa được GPMB, xuống cấp nghiêm trọng. Để tránh đoạn đường xấu, đang thi công, có nhiều xe có trọng tải lớn lưu thông ngược chiều, gây nguy hiểm cho người dân. Để đảm bảo tuyến đường được lưu thông an toàn, mong các cấp, các ngành quan tâm, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để tuyến đường sớm đưa vào sử dụng. Song song với đó cần có thêm biển báo nhắc nhở như "ngã tư có trường học, chủ phương tiện cần giảm tốc độ, chú ý quan sát", hay lắp đặt gờ giảm tốc độ.