Ngộ nhận về thần tượng

Nhà văn Nguyễn Việt Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyện thần tượng của giới trẻ từ xưa tới nay không phải là chuyện gì quá xa lạ, xa xôi.

Dường như đối với mỗi một thế hệ trẻ, họ đều có một số hình mẫu lý tưởng trong đời sống văn hóa, tinh thần của mình. Nhưng trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 thì chuyện thần tượng lại trở nên lệch lạc.

Thần tượng từ văn học

Đối với thế hệ trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ những năm 1960 - 1975 thì hình tượng Pavel Korchaghin trong “Thép đã tôi thế đấy”, cuốn tự truyện của nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky là một mẫu hình lý tưởng. Pavel là một thanh niên được tôi luyện trong lò lửa của cách mạng và đã vượt qua được nhiều khó khăn, cực khổ của cuộc đời mình với sức mạnh của niềm tin và khát khao được sống, được cống hiến, được bùng cháy trọn vẹn ngọn lửa đời mình cho Tổ quốc, cho cách mạng.

 Hàng nghìn người hâm mộ tụ tập chào đón thần tượng Ji Chang Wook tại sân bay Nội Bài tháng 7/2019.

Câu nói bất hủ của Pavel: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…” đã trở thành kim chỉ nam tinh thần của một thế hệ.

Tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” đã một thời được coi là cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ thanh niên và đã truyền lại cho thế hệ trẻ ngọn lửa và chất thép hào hùng trong hành trang vào đời của các bạn trẻ để họ có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa.

Có thể nói, trong những năm chiến tranh gian khổ của đất nước, thần tượng của thế hệ thanh niên ngày ấy là hình tượng văn học trong những trang sách, trong những bài thơ yêu nước.

Trong cuốn nhật ký của mình, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trước khi hy sinh cũng viết một đoạn kể lại sự lạc quan, cũng như sự say mê nhân vật Pavel: “Trên chiến trường Đức Phổ, hầu như không lúc nào ngừng tiếng súng nổ, chết chóc đau thương đè nặng lên mỗi người dân, gia đình. Vậy mà, ở giữa nơi sự “chết chóc, hi sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm ấy” có những người lính như chị nằm dưới công sự nghe giặc đào ở trên mà vẫn kể cho nhau nghe chuyện về anh chàng Pavel Corsaghin trong “Thép đá tôi thế đấy”.

Ngôi sao thời công nghệ

Sau chiến tranh, trong những thập niên hòa bình của đất nước ta, dường như thần tượng của thế hệ trẻ không còn là hình tượng nhân vật văn học của những tháng năm trận mạc, mặc dù tấm gương hi sinh của Nguyễn Văn Thạc, của Đặng Thùy Trâm vẫn còn rung động nhiều thế hệ.

Ngày hôm nay, thần tượng của giới trẻ đến từ điện ảnh, từ âm nhạc, từ thể thao và các loại hình giải trí trên mạng xã hội. Có thể nói, mạng xã hội đang dần chiếm vị trí quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống con người, nhất là các bạn trẻ. Nhưng chúng ta cũng cần biết sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý, khoa học để nó trở thành công cụ hữu ích trong cuộc sống chứ đừng để bị biến thành “nô lệ” của nó.
 

Theo con số thống kê mới nhất được đưa trên báo chí, năm 2019, dân số Việt Nam đạt mốc xấp xỉ 97 triệu dân, với tỷ lệ dân thành thị là 36%. Trong đó, có 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017 và có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động. Tính đến đầu năm 2019, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 thế giới với 58 triệu người dùng Facebook, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018. TP Hồ Chí Minh nằm trong Top 6 TP có người dùng Facebook đông nhất thế giới với 14 triệu người dùng.

Hiện tại, mặc dù dân số Việt Nam chỉ đạt 97 triệu người nhưng số thuê bao điện thoại được đăng ký lên tới hơn 143 triệu số. Hiện tại, đa phần người dùng mạng xã hội là giới trẻ, nhóm người dùng có độ tuổi trung bình là 30 vẫn chiếm phần đông nhất và dành nhiều thời gian trong ngày cho mạng xã hội. Ngoài nhu cầu về tiếp nhận thông tin thì đời sống thường ngày của các “ngôi sao” trên mạng xã hội cũng thu hút mối quan tâm của rất nhiều thanh niên.

Có thể thấy, thần tượng của giới trẻ hôm nay đến từ các “ngôi sao” nổi tiếng trong làng giải trí, âm nhạc, điện ảnh, thể thao… Đứng đầu là siêu sao bóng đá - cầu thủ C. Ronaldo đã thu hút lượng fan đông đảo nhất với 122,5 triệu người khắp nơi trên thế giới, đứng thứ hai là cả trăm triệu fanpage của câu lạc bộ bóng đá Real Madrid FC. 

Trong lĩnh vực âm nhạc thần tượng của giới trẻ là các ban nhạc trẻ hàng đầu của Hàn Quốc,

các danh ca lừng danh của Mỹ… Còn ở Việt Nam, các cầu thủ bóng đá trẻ nổi tiếng như Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu, Văn Toàn… thời gian qua đang thu hút một số lượng đông các fan hâm mộ. Tương tự, các diễn viên điện ảnh trẻ trung, xinh đẹp, giỏi nghề, và các ca sĩ, nhạc sĩ ăn khách của dòng nhạc thị trường từ Nam ra Bắc cũng có lượng khán giả trẻ theo dõi, cổ vũ khá lớn.

Với các thần tượng nêu trên, tài năng đích thực của họ chính là những khối nam châm thu hút đông đảo người hâm mộ đến với các chương trình biểu diễn, các trận đấu mà họ tham gia. Và việc họ được tung hô, được cổ vũ, được nhiều người yêu mến là lẽ đương nhiên không cần phải bàn cãi.

Nhưng tôi cũng rất ngạc nhiên, kỳ lạ trước cảnh, không ít lần, cả mấy trăm bạn trẻ đội mưa gió tới đón một ban nhạc nước ngoài ở sân bay rồi khóc nức nở đến ngất xỉu cả loạt khi giáp mặt thần tượng của mình. Rồi mới đây, trong một đại nhạc hội diễn ra ở quận Tây Hồ, Hà Nội có mấy bạn trẻ đã không may qua đời vì dùng các hóa chất kích thích hướng thần.

Lệch chuẩn văn hóa

Đặc biệt thời gian gần đây, dư luận xã hội đã lên tiếng về các biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn của không ít người trong giới trẻ đã cổ vũ, tung hô trên mạng xã hội, trên Youtube. Một số hiện tượng được coi như “ngôi sao” trong thế giới ảo của “anh em xã hội giang hồ”… khi các đối tượng này dùng nhiều chiêu trò hợm hĩnh, lố lăng, phản cảm nhằm thu hút nhiều người để kiếm tiền trên mạng xã hội YouTube, Facebook và Internet.

Và, chỉ đến khi một trong số các “ngôi sao” lố bịch này bị cơ quan công an bắt giữ vì các hành vi vi phạm pháp luật thì nhiều người mới thấy rõ các chiêu trò quảng bá để lợi dụng kiếm tiền trên mạng xã hội của họ.

Qua các hiện tượng này, chúng ta cần báo động về việc không ít người trong giới trẻ hôm nay đã ngộ nhận thần tượng một cách rất nhầm lẫn theo cảm tính. Nhiều khi các đối tượng này đã chia sẻ các nội dung, hình ảnh giật gân, phản cảm về nhiều chủ đề gây bức xúc trong đời sống xã hội nhằm câu view, tăng số lượng người tương tác.

Thậm chí, có người còn dựng những chuyện không có thật, dựng hiện trường giả với các clip quay cảnh kích động người khác… Có thể nói hiện nay, ảnh hưởng của mạng xã hội tác động không nhỏ đến đời sống con người hiện đại nhất là đối với thế hệ trẻ. Vì thế, các bậc phụ huynh, ông bà, cha mẹ cần dành thời gian thích đáng để có thể đồng hành, tìm hiểu cùng con cháu mình và giúp các bạn trẻ có được định hướng trong lành và đúng đắn hơn.

Có thể nói hiện nay, ảnh hưởng của mạng xã hội tác động không nhỏ đến đời sống con người hiện đại nhất là đối với thế hệ trẻ. Vì thế, các bậc phụ huynh, ông bà, cha mẹ cần dành thời gian thích đáng để có thể đồng hành, tìm hiểu cùng con cháu mình và giúp các bạn trẻ có được định hướng trong lành và đúng đắn hơn.


Hiện tượng nguy hiểm

"Các giang hồ mạng truyền cảm hứng cho giới trẻ chẳng khác nào sự nguy hại của trò chơi “Cá voi xanh”, “Thử thách momo” mà phụ huynh lo lắng bấy lâu. Hiện tượng này đặc biệt nguy hiểm, bởi việc học sinh thần tượng những giang hồ mạng có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng. Những hành vi vi phạm pháp luật được cổ vũ như hành động anh hùng sẽ góp phần làm tăng các vụ án nghiêm trọng về cả mức độ lẫn số lượng." - Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Chuyên gia tâm lý giáo dục


Cần có hình thức quản lý thông tin trên mạng xã hội

"Những hiện tượng mạng như Khá Bảnh đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, dùng ngôn từ vô văn hóa nhưng lại được giới trẻ tung hô, thì là hành vi lệch chuẩn. Để có thể ngăn chặn những clip xấu, độc hại và có ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ, ngoài việc tăng cường giáo dục trong trường học, cơ quan chức năng cũng cần có hình thức để quản lý thông tin trên các mạng xã hội, ngăn chặn việc lan truyền các thông tin xấu, độc." - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng


Họ bỏ tiền để tạo sức hút

"Trong một thời gian, xã hội tung hô những người có những phát ngôn gây sốc, thậm chí là những người không có tài năng nhưng sẵn sàng bỏ một số tiền lớn ra để tạo sức hút. Điều đó đã khiến cho những bạn trẻ hiểu nhầm về thần tượng." - PGS.TS Phạm Mạnh Hà  - Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc Gia Hà Nội (Lại Tấn ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần