Ngõ phố lộn xộn vì thiếu ý thức

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tạo ra những chuyển biến trong việc đảm bảo trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị… TP Hà Nội đã phát động, triển khai Cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp” đến tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Theo ghi nhận, thời gian đầu, cuộc thi đã tạo ra được sự lan tỏa khá lớn nhưng đến thời điểm này, tại nhiều khu vực rơi vào cảnh thoái trào.

Vỉa hè phố Tôn Đức Thắng bị chiếm dụng làm nơi tập kết hàng hóa. Ảnh: Công Trình
Thiết thực, nhưng...
Để tham dự Cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp”, các phường, xã trên địa bàn TP đã chủ động chọn những tuyến phố mà những yếu về “xanh, sạch, đẹp” tiệm cận với những tiêu chí đề ra. Cùng với đó, để tạo ra điểm nhấn, sự đồng thuận của người dân sống trên dọc tuyến phố, ngoài việc tuyên truyền, chính quyền các phường, xã đã kêu gọi nguồn lực xã hội hóa nhằm chỉnh trang lại các tuyến đường. Đơn cử, tại phường Trung Hòa, UBND phường đã thực hiện kẻ vạch sơn, lát lại vỉa hè trên tuyến phố Trung Hòa, trang trí gốc cây với 3.500 cây bạch chỉ, xây lại 118 bồn cây, trang trí 30 chậu hoa trên cột đèn chiếu sáng với tổng kinh phí 150 triệu đồng, trong đó kinh phí xã hội hóa 90 triệu đồng.
Tương tự, tại phường Dịch Vọng Hậu, UBND phường đã thực hiện xã hội hóa 280m2 tranh tường trên tuyến ngõ 36 Xuân Thủy với tổng kinh phí 42 triệu đồng... Hay trên phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, ngoài việc chỉnh trang, UBND các phường dọc tuyến đường đã tăng cường tuyên truyền đến người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc xây dựng, giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp...
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 4/12, việc chấp hành, hưởng ứng cuộc thi tại nhiều địa bàn đã bắt đầu đi vào giai đoạn thoái trào. Đơn cử, tại phố Tôn Đức Thắng, một trong những phố xuyên tâm, xuyên trục của quận Đống Đa, tình trạng xe ô tô dừng đỗ sai quy định, rác thải, hàng hóa tập kết trên vỉa hè vẫn diễn ra khá phổ biến. Hay tại phố Mạc Thái Tổ, phường Yên Hòa, một số lượng lớn cây nhỏ ở dưới gốc cây rơi không được chăm sóc thường xuyên, thậm chí bị hủy hoại... gây lãng phí. 
Trách nhiệm không chỉ của chính quyền
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo nhiều phường cho biết, để chỉnh trang các tuyến phố kinh phí chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa. Khi triển khai thực hiện, chính quyền địa phương đã vận động, kêu gọi những gia đình, hộ kinh doanh mặt phố chung tay góp sức trong việc bảo vệ, chăm sóc cây... song, đến thời điểm này, việc chăm sóc cây xanh tại một số nơi chưa đạt được như mong muốn. Do đó, nếu chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của chính quyền các địa phương thì chưa đủ. Điều quan trọng nhất là người dân phải đồng thuận từ chính các hộ mặt phố - những người được hưởng lợi từ cuộc thi này.
Một lãnh đạo quận Cầu Giấy từng nêu vấn đề, mật độ giao thông cũng như cơ sở kinh doanh trên địa bàn lớn tạo sức ép lên hạ tầng đô thị, gây khó khăn cho việc sắp xếp và duy trì trật tự đô thị trên các tuyến phố. Bên cạnh đó, nhiều tuyến phố, tuyến ngõ không cắm biển cấm dừng, đỗ xe dẫn đến một số lượng lớn ô tô dừng đỗ gây cản trở giao thông chưa xử lý được. Ngoài ra, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên vẫn xảy ra lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh khiến hiệu quả đem lại chưa cao.
Để nâng cao hiệu quả của cuộc thi, ngoài việc chỉnh trang, cần kết hợp chặt chẽ giữa khâu tuyên truyền và xử lý vi phạm. Bởi, nếu những hành vi vi phạm không được xử lý kịp thời, bộ mặt đô thị sẽ rơi vào cảnh “đầu voi đuôi chuột”, khiến người dân quay lưng với cuộc thi mang nhiều ý nghĩa này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần