Ngô Tử Hạ - Người đại biểu cao tuổi nhất của Quốc hội khóa I

Nguyễn Minh Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cụ Ngô Tử Hạ (1882 - 1973) sinh ra tại làng Quy Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cư ngụ tại số 14 đường Lamblot, Hà Nội (nay là phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

Cụ là chủ nhà in Ngô Tử Hạ, nơi lần đầu tiên in đồng bạc Cụ Hồ, là vị đại biểu cao tuổi nhất của Quốc hội (QH) Khóa I, được cử làm Chủ tịch Đại hội đồng, tham gia Ban thường trực QH và là người đọc tuyên ngôn của QH Việt Nam ngày 2/3/1946. Khi người dân rơi vào thảm họa chết đói năm Ất Dậu, cụ chính là nhân sĩ đầu tiên, mặc áo the khăn xếp, kéo xe bò khắp đường phố Hà Nội để kêu gọi cứu tế. Cụ là mẫu mực của một nhà tư sản dân tộc, một nhân sĩ yêu nước, thương dân...
Kỳ 1: Nhà tư sản dân tộc yêu nước, thương dân

Việc cụ Ngô Tử Hạ trở thành nhà tư sản lớn của dân tộc là một câu chuyện ly kỳ hấp dẫn khiến nhiều người ngưỡng mộ lấy làm tấm gương sáng cho mình. Hơn thế nữa, nhà tư sản dân tộc này lại có tấm lòng vì nước, thương dân rất đặc biệt.

Từ người thợ trở thành nhà tư sản lớn

Nếu biết gia sản của cụ Ngô Tử Hạ khi tự nguyện đem hiến cho nhà nước vào năm 1960 sẽ khiến nhiều người giật mình. Đó là khối tài sản khổng lồ thể hiện trong bảng kê khai nhà đất ngày 29/7/1960, như sau: Nhà số 24 - 48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện (diện tích 2.251m2) nhà số 60 Nguyễn Du (1.095m2), nhà số 8 Lý Quốc Sư (84m2), nhà số 4 đường 339 Thịnh Yên (2.210m2), nhà số 31 Hàng Bông (182m2). Đó là chưa kể trước 1945 cụ còn có một nhà in tại Huế và đang có dự định mở thêm một nhà in tại Sài Gòn.
 Cụ Ngô Tử Hạ đọc diễn văn trong cuộc Vận động cứu đói Hà Nội đầu năm 1946. Ảnh tư liệu
Nên biết rằng, cụ Ngô Tử Hạ là một nhà tư sản lớn của Hà Nội lúc bấy giờ, được báo Nam Phong bình chọn là 1 trong 300 nhân vật nổi tiếng của xứ Đông Dương ở những năm 40, thế kỷ XX. Thế nhưng, khi biết rằng, sự nghiệp của cụ được gây dựng từ hai bàn tay trắng, từ những nỗ lực, chịu khó và trí thông minh của một chàng trai xứ đạo nghèo ở Quy Hậu, Kim Sơn, Ninh Bình lên Hà Nội lập nghiệp thì chúng ta càng nể phục tài năng của một con người.

Thân sinh của cụ Ngô Tử Hạ là một nhà nông, bà cụ là một phụ nữ rất giỏi về nghề nuôi tằm, lấy kén, ươm tơ, kinh tế gia đình có phần ổn định nên con cái được học hành đến nơi đến chốn. Học ở nhà dòng, Ngô Tử Hạ là một cậu bé thông minh, học giỏi, có trí nhớ tuyệt vời, tiếng Pháp rất giỏi, được các Cha yêu. Không chấp nhận cuộc sống an phận thủ thường nơi vùng quê nghèo khó, năm 17 tuổi, Ngô Tử Hạ đã lên Hà Nội để học nghề in ở Nhà in I.D.E.O (Nhà in Viễn Đông, nay là Nhà in báo Nhân Dân). Đây là nhà in của Pháp lớn nhất, hiện đại nhất Đông Dương thời bấy giờ. Nhờ trí thông minh và tính nhẫn nại, Ngô Tử Hạ đã trở thành một thợ in giỏi nổi tiếng Hà Thành và ngấm ngầm tìm cách học cả nghề quản lý nhà in.

Năm 1911, cách mạng Tân Hợi bùng nổ, một luồng gió mới thổi vào nền chính trị đang nghẹt thở của Việt Nam. Ngô Tử Hạ quyết định mở nhà in nhỏ tại phố Hàng Gai. Sau đó ít lâu, nhờ tích luỹ và về quê bán ruộng, ông mua đất và lập nhà in lớn hơn ở 24 phố Lý Quốc Sư (phố Lamblot cũ). Cũng cần nói thêm rằng, việc ra đời nhà in này có sự giúp đỡ rất lớn về vốn của bố, mẹ vợ kế (bà Nguyễn Thị Thảo).
Khi Ngô Tử Hạ bắt đầu khởi nghiệp, ngay sau khi đặt mua tại Pháp một lô hàng lớn giấy và mực in, hàng về đến nơi thì chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, kênh đào Suez đóng cửa, việc giao thương Âu - Á gặp khó khăn, giấy tăng giá hàng trăm lần. Thêm vào đó, việc quản lý nhà in chặt chẽ, chất lượng in tốt, giá cả cạnh tranh và giao du rộng, nhà in Ngô Tử Hạ đã thu hút được nhiều khách hàng, cả người Việt lẫn người Pháp. Ông trở thành ông trùm ngành in Việt Nam, một nhà tư sản lớn của Hà Nội thời bấy giờ.

Nổi tiếng vì hoạt động từ thiện

Khi có điều kiện kinh tế, Ngô Tử Hạ đã dốc sức vào hoạt động xã hội, hỗ trợ các phong trào nâng cao dân trí và trực tiếp tham gia hoạt động từ thiện, cứu tế người nghèo. Ông Trịnh Văn Đường, cháu ngoại cụ Ngô Tử Hạ nhớ lại: “Trước 1945, ban ngày cụ thường đi giao lưu, hoạt động từ thiện, tối khuya mới về nhà in. Ban đêm, cụ chỉ ngủ 1 - 2 tiếng đồng hồ, còn lại thì dành cho việc kiểm tra sổ sách kế toán và các công việc khác của nhà in”. Tuy bận với công việc kinh doanh nhưng cụ rất quan tâm đến việc học của dân, đặc biệt là với người nghèo. Cụ đã tham gia cùng học giả Nguyễn Văn Tố trong Hội truyền bá Quốc ngữ. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cụ tích cực tham gia phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Nhà in Ngô Tử Hạ đã nhận in một số lượng lớn sách học chữ cho bình dân học vụ.

Là một người kính Chúa, yêu nước, cụ Ngô Tử Hạ ý thức được lời răn: “Yêu thương anh em như yêu thương mình vậy”. Ông chủ nhà in Ngô Tử Hạ đã khởi xướng và tham gia nhiệt tình các hoạt động từ thiện. Hiện tại, con cháu cụ còn lưu giữ những bức ảnh rất sinh động về hoạt động cứu tế của cụ Ngô Tử Hạ: Đó là cảnh cụ khăn xếp, áo the, kéo xe bò đi đầu đoàn người qua các phố của Hà Nội kêu gọi quyên góp tiền bạc cứu đói; đó là cảnh cụ đi kiểm tra và áp tải vận chuyển gạo từ Hà Nội lên Hà Đông trên đoàn xe điện, cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Ngô Tử Hạ làm lễ cầu siêu cho 2 triệu người chết đói tại Nhà thờ lớn Hà Nội... Khắp miền Bắc - Trung - Nam, ngân phiếu của cụ Ngô được gửi đến các nơi cô nhi, quả phụ. Cụ còn vận động các nhà DN khắp miền làm từ thiện nên được nhân dân giáo cũng như lương rất yêu mến, kính trọng.

Do hoạt động nổi tiếng trong ngành in, cụ Ngô Tử Hạ có quan hệ và giao thiệp rộng rãi với các trí thức và học giả bấy giờ như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Mai Đăng Đệ, Nguyễn Văn Tố, Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu... Đối với giới học giả, văn nhân, ông chủ nhà in Ngô Tử Hạ vừa là bạn tâm giao, vừa là mạnh thường quân.
Nhà in Ngô Tử Hạ đã giúp các học giả, các nhà nghiên cứu trong việc in các tập sách, công trình, tác phẩm của mình. Đặc biệt, Tạp chí Đông Thanh của nhà in Ngô Tử Hạ đã là nơi tập hợp, lui tới của nhiều nhà báo, nhà văn nổi tiếng với nội dung tiến bộ, chuyên giới thiệu, nghiên cứu, khẳng định các giá trị văn hóa phương Đông, văn hóa Việt Nam...

Từ một người thợ in trở thành nhà tư sản lớn, cụ Ngô Tử Hạ trở nên nổi tiếng, có uy tín thời bây giờ trong các tầng lớp Nhân dân, các giới trí thức và cả hàng ngũ quan chức thực dân. Việc cụ tham gia tổ chức Việt Minh, trở thành cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa I và là người đọc Tuyên ngôn Quốc hội ngày 2/3/1946 là quá trình tất yếu đến với cách mạng của một nhà tư sản dân tộc yêu nước - Ngô Tử Hạ.
Kỳ sau: 27 năm làm đại biểu Quốc hội - mẫu mực và vinh quang

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần