Ngoài Nga và Trung Quốc, 3 quốc gia này đang dần quay lưng với đồng USD

Hương Thảo (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng USD đang suy yếu ngay cả ở các nước đồng minh thân cận của Mỹ như Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Ảnh minh họa 
Căng thẳng toàn cầu gây ra bởi các lệnh trừng phạt kinh tế và xung đột thương mại do Mỹ phát động năm qua đã buộc nhiều nước mục tiêu phải thay đổi cái nhìn về các hệ thống thanh toán hiện đang chịu sự thống trị của đồng tiền quốc gia Mỹ.
Nếu như xu hướng phi đồng USD ở hai quốc gia Trung Quốc và Nga - những "kình địch" của Mỹ đã diễn ra khá mạnh mẽ trong một thời gian dài thì nay, ngay cả những đồng minh lâu năm của Washington cũng đnag dần tỏ ra lạnh nhạt với đồng bạc xanh.
Ấn Độ
Xếp hạng nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, Ấn Độ từ lâu đã là một trong những ông lớn về  nhập khẩu hàng hóa. Vì vậy cũng không có gì ngạc nhiên khi đất nước này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hầu hết các cuộc xung đột địa chính trị toàn cầu và chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các lệnh trừng phạt áp dụng trên các đối tác thương mại.
Đầu năm nay, Delhi đã chuyển sang thanh toán bằng đồng Ruble đối với thương vụ hệ thống phòng không S-400 của Nga vì các hình phạt kinh tế của Washington đối với Moscow. Nước này cũng phải chuyển sang đồng tiền quốc nội - đồng Rupee - trong việc mua bán dầu thô của Iran sau khi Washington khôi phục lệnh trừng phạt đối với Tehran từ hôm 6/11/2018.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ để thúc đẩy thương mại và đầu tư mà không có sự tham gia của đồng tiền thứ ba. Nếu xét Ấn Độ là quốc gia thứ ba trên phương diện sức mua thì sự thay đổi của nước này có thể làm giảm đáng kể vai trò của đồng USD trong giao dịch toàn cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ
Đầu năm nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố kế hoạch chấm dứt sự độc quyền của đồng USD, thông qua chính sách mới khuyến khích các giao dịch phi USD với các đối tác quốc tế của mình, điển hình là bằng đồng tiền quốc nội với Trung Quốc, Nga hay cả với Iran.
Động thái này được cho là đã chịu sự thúc đẩy bởi cả yếu tố kinh tế và chính trị. Mối quan hệ đồng minh giữa Ankara và Washington đã xấu đi kể từ khi cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan hồi 2016, mà người Thổ đã nghi ngờ Mỹ có liên quan đến cuộc nổi dậy khi cáo buộc Washington đã bao che cho kẻ cầm đầu - giáo sĩ Fethullah Gulen.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng phần nào chìm xuống sau khi Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với việc bắt giữ mục sư truyền giáo Andrew Brunson về tội khủng bố liên quan đến cuộc đảo chính bất thành năm 2016. Ông Erdogan thậm chí còn khiến cả NATO nổi giận khi là thành viên đầu tiên của liên minh này ngỏ ý mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang cố gắng bỏ đồng bạc xanh như một động thái cứu trợ đồng tiền quốc nội, khi đồng Lira đã mất gần một nửa giá trị so với đồng USD trong năm 2018 qua.
Iran
Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Donald Trump đã đề cập đến viẹc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã ký giữa Iran và một nhóm các cường quốc bao: Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và EU.
Quốc gia giàu dầu mỏ Trung Đông một lần nữa trở thành mục tiêu cho các lệnh trừng phạt nghiêm khắc được nối lại bởi Washington, khi Mỹ còn đe dọa sẽ đưa ra các hình phạt đối với bất kỳ quốc gia nào vi phạm lệnh cấm vận. Các biện pháp trừng phạt đã đánh thẳng vào ngành công nghiệp dầu mỏ trụ cột của Iran.
Các lệnh trừng phạt đã buộc Tehran phải tìm kiếm những lựa chọn thay thế cho đồng USD để có thể thực hiện các thanh toán trong việc xuất khẩu dầu của mình. Iran đã giành được thỏa thuận dầu mỏ với Ấn Độ bằng đồng Rupee hay với nước láng giềng Iraq bằng đồng Dinar của nước này để giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh, tránh các nguy cờ về ngân hàng liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần