Ngoại thành rộn ràng vào Xuân

Thắng Văn - Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang ùa về trên sắc hoa đào phai tươi thắm, trên những vườn quất vàng óng và lấp lánh nụ cười tươi vui đón chào năm mới.

Trong cái se se lạnh của những ngày áp Tết, bà con nông dân ngoại thành dù náo nức đón Xuân nhưng vẫn không quên ra đồng chuẩn bị cho mùa vụ mới.

Hối hả đường Xuân

Mới sớm tinh mơ, con đường nhựa từ Đá Chông dẫn về các xã Ba Vì, Minh Quang, Khánh Thượng, huyện Ba Vì đã có khá nhiều xe cộ ngược xuôi đi lại, tấp nập khác hẳn ngày thường. Ấy là những xe máy của người dân chở nông sản, hàng hóa, thuốc Nam đi các chợ bán hay cánh tiểu thương lấy hàng Tết về bán cho bà con trong thôn bản. Ông Dương Trung Thân, dân tộc Dao, thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì phấn khởi cho biết, năm nay việc mua sắm Tết khá thuận tiện vì có các điểm bán hàng Tết mở tại nhà văn hóa thôn với đầy đủ các mặt hàng từ bánh kẹo, mứt, dầu ăn… Hơn nữa, hầu hết các tuyến đường trục thôn xóm, ngõ ngách đã cơ bản được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp để kịp đón Tết. “Bà con ở đây vừa ăn Tết Nhảy của người Dao, song nhà tôi cũng để dành một con lợn hơn 40kg vài hôm nữa mổ ăn Tết Nguyên đán” – ông Thân hồ hởi khoe.

Người dân mua bán tấp nập tại các gian hàng hoa Tết.   Ảnh: Lâm Nguyễn

Vòng về Tỉnh lộ 446 qua các xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai), Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất) cũng thấy nhộn nhịp những phiên chợ Tết đầy sắc màu và thanh âm rộn rã, vui tươi. Ấy là màu hồng phai của những cành đào rừng tươi tắn, màu vàng của những trái bưởi chín thờ Tết thơm lừng, màu xanh của lá dong, của chuối… Người ta mang ra chợ đủ thứ hàng hóa để bán phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, từ những nông sản làm ra cho đến bát đĩa, đồ gia dụng, lọ hoa. Đâu đó, có tiếng cồng chiêng rộn ràng của đội văn nghệ thôn đang tập để diễn vào dịp Tết. Con đường Xuân như nối dài khắp các vùng ngoại thành vào nội đô. Trên các tuyến phố của thị xã Sơn Tây hay trục Quốc lộ 32 qua các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, đâu đâu cũng thấy hàng đào, hàng quất, hoa tươi rực rỡ. Sắc Xuân đã thực sự tràn về.

Cũng giống như mọi năm, cứ độ Tết đến, Xuân về, các địa phương ngoại thành lại trang hoàng, điểm tô cho những tuyến đường thêm tươi mới với sắc đỏ của cờ, băng rôn, khẩu hiệu. Tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, những ngày áp Tết, các trục đường được quét dọn thường xuyên, buổi tối được thắp điện sáng choang. Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở Nguyễn Đăng Hoan dí dỏm: “Làng tôi chuẩn bị đón Xuân chẳng kém gì phố phường”. Ông Hoan cũng cho biết, năm nay, dù bà con Nhân dân có phần kém vui vì nông sản rớt giá, song cũng may toàn xã đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên thu nhập của người dân không bị ảnh hưởng nhiều. Đặc biệt, vui nhất là tình hình an ninh trật tự trong thôn xóm được đảm bảo, cả năm trong xã chưa xảy ra vụ mất trộm nào.

Không quên thời vụ

Những ngày cuối năm, dù tiết trời đang vào độ rét buốt nhưng nhiều bà con nông dân các xã Tự Lập, Tam Đồng, huyện Mê Linh vẫn tranh thủ xuống đồng lấy nước, làm đất gieo mạ. Bà Trần Thị Lập, thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập cho biết, gieo mạ vào thời điểm này để ăn Tết Nguyên đán xong là có thể cấy lúa vụ Xuân. Tương tự, tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, hơn một tuần kể từ sau đợt lấy nước đổ ải đầu tiên, nhiều diện tích gieo cấy vụ Xuân của địa phương đã có nước. Bất chấp mưa lạnh những ngày qua, bà con vẫn tích cực xuống đồng làm đất, cày bừa, gieo mạ. Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, đến nay, đã có trên 28% diện tích ruộng đồng trên địa bàn TP đã có nước. Tỷ lệ làm đất cũng đã đạt gần 14%. Cùng với 2 huyện Quốc Oai, Mê Linh, bà con các huyện Phúc Thọ, Thường Tín, thị xã Sơn Tây cũng đã tranh thủ gieo mạ, cấy sớm được tổng diện tích khoảng 390ha, đạt khoảng 0,4% kế hoạch gieo cấy vụ Xuân 2017 của toàn TP.

Theo đánh giá của ông Chu Văn Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội, đến nay, tình hình lấy nước trên địa bàn TP vẫn chưa đạt yêu cầu. Sở dĩ vậy là bởi đợt 1 lấy nước được tiến hành sớm hơn 10 ngày so với thời vụ gieo mạ Xuân 2016. Nhiều địa phương chưa lấy nước do vẫn còn một diện tích khá lớn cây vụ Đông chưa hoàn thành thu hoạch. Cũng bởi vậy mà sau khi kết thúc đợt 1 lấy nước, căn cứ vào tình hình nguồn nước trên các sông, 5 DN thủy lợi của Hà Nội vẫn tiếp tục vận hành hàng trăm trạm bơm nhằm tận dụng tối đa nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện. Nhằm tận dụng triệt để nguồn nước, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị 5 DN thủy lợi và các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc Công điện số 03 của Bộ NN&PTNT về lấy nước đợt 2. Trong đó, đặc biệt lưu ý vận hành các trạm bơm đầu mối Sơn Đà, Trung Hà và trạm bơm dã chiến Phù Sa nhằm lấy, trữ nước phục vụ đổ ải cho những địa phương thường gặp khó khăn về nguồn nước như Quốc Oai, Thạch Thất…

Sẻ chia với người nghèo

Trước thềm Tết Nguyên đán Đinh Dậu, trong căn nhà nhỏ đơn sơ của gia đình, nhận món quà Tết từ tay lãnh đạo TP và chính quyền địa phương, ông Nguyễn Duy Sang, thôn Thượng Lộc, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ vô cùng xúc động. Bản thân ông Sang bị mù, có một con trai đã mất do bệnh tật, hiện ở cùng vợ và cháu nhỏ. Hai vợ chồng ông tuổi đều đã cao, khả năng lao động hạn chế nên gia đình ông được xếp vào diện hộ nghèo của thôn. Ông Sang chia sẻ: “Sự quan tâm thăm hỏi của các cấp, các ngành giúp cho gia đình có thêm niềm vui và ấm áp mỗi dịp Tết đến, Xuân về”.

Cũng giống ông Sang, niềm vui đã đến với anh Triệu Quý Minh, thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì vào dịp đầu Xuân khi gia đình anh được chọn là một trong 2 hộ của xã được tặng bò để phát triển kinh tế. Là hộ nghèo của xã Ba Vì, thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn, anh Minh từng phải sang Trung Quốc làm thuê. Với “đầu cơ nghiệp” và suất quà Tết được Sở LĐTB&XH cùng các cơ quan, đoàn thể trao tặng, căn nhà cấp 4 của vợ chồng anh Minh đã thêm phần ấm áp hơn trong những ngày giáp Tết. So với các địa phương khác, đồng bào vùng dân tộc thiểu số cần sự sẻ chia hơn cả, nhất là trong dịp Tết. Bởi vậy, nhằm mang đến cái Tết ấm áp cho người nghèo, năm nay, Ủy ban Dân tộc đã trao tặng 150 suất quà cho các hộ nghèo, người có công, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô.

Cũng là địa phương vùng đồi gò, những năm qua, việc chăm lo Tết cho người nghèo trên địa bàn huyện Sóc Sơn luôn được quan tâm. Theo ông Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, những năm trước, có thời điểm địa phương có tỷ lệ nghèo thuộc nhóm cao nhất TP. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn dưới 3%. Cũng giống như các địa phương khác, dịp Tết Đinh Dậu 2017, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn thực hiện hỗ trợ các hộ nghèo theo chế độ được Nhà nước, TP quy định. Bên cạnh đó, địa phương còn tích cực kêu gọi các DN, tổ chức xã hội phối hợp trao tặng quà Tết cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn. Mỗi món quà gửi trao chính là sự lan tỏa Tết ấm yêu thương đến với mọi người, mọi nhà, để người người, nhà nhà đều có Tết…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần