Ngoại trưởng Lavrov: EU thiệt hại kinh tế kỷ lục do áp lệnh trừng phạt chống Nga

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Ngoại giao Nga nói rằng các DN châu Âu đang phải chịu "tổn thất kinh tế hàng chục, thậm chí có thể lên tới hàng trăm tỷ euro" từ các lệnh trừng phạt chống Nga.

“Các lệnh trừng phạt chống Nga của Liên minh châu Âu (EU) dường như là một sự ám ảnh, trên thực tế nó không liên quan nhiều đến chính trị” - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Rossiiskaya Gazeta.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov
Bộ trưởng Lavrov lưu ý thêm rằng hiện chỉ có "một nhóm rất ít các quốc gia, nhưng rất hung hăng" đang hối thúc EU tiếp tục đối đầu với Nga và tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt chống Nga cho đến khi "Moscow thực hiện các thỏa thuận Minsk".
“Các lệnh trừng phạt ít liên quan đến tình hình chính trị thực tế, mà dường như EU đang bị ám ảnh bởi các lệnh trừng phạt", ông Lavrov nhấn mạnh.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, cựu Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko muốn kêu gọi EU áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga và "chính quyền mới của Ukraine cũng đang áp dụng chính sách ngoại giao này".
Ông Lavrov giải thích thêm: "Họ [chính quyền Ukraine] sẽ không làm gì cả và khi họ không làm gì thì các thỏa thuận Minsk sẽ không bao giờ được thực thi. Vì vậy, theo logic này EU sẽ giữ nguyên lệnh trừng phạt chống Nga, trong khi đó Ukraine sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây”.
Đặc biệt, Ngoại trưởng Nga nói rằng các DN châu Âu đang phải chịu "tổn thất kinh tế tới hàng chục, thậm chí có thể lên tới hàng trăm tỷ euro" từ các lệnh trừng phạt chống Nga.
"Nhiều đại diện từ các quốc gia thành viên EU tiết lộ với chúng tôi rằng họ phản đối các lệnh trừng phạt chống Nga và khẳng định các biện pháp trừng phạt này có hại. Tuy nhiên, họ thực hiện nguyên tắc đoàn kết và đồng thuận về vấn đề này", Ngoại trưởng Lavrov lưu ý.
Năm 2014, EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến các vấn đề Ukraine và việc Moscow sáp nhập Crimea. Cho tới nay, EU tiếp tục mở rộng và gia hạn các động thái này. Chế độ miễn thị thực và thỏa thuận cơ bản mới về đàm phán hợp tác đã bị đình chỉ, các quan chức Nga bị cấm vào các nước EU, tài sản của họ bị đóng băng và các biện pháp thương mại, tài chính và quân sự hạn chế đã được EU thông qua. Đáp trả lại, Moscow cũng đã cấm nhập khẩu nông sản từ EU.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần