Ngoại trưởng Nga, Mỹ thận trọng đánh giá về tình hình Ukraine

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp tại Geneva (Thụy Sỹ) trao đổi về việc chấm dứt tình hình chiến sự tại Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Phát biểu riêng rẽ với báo giới sau cuộc gặp, ngoại trưởng hai nước đều tỏ ra thận trọng khi nhận định lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực ngày 15/2 đang được triển khai đúng hướng. Ông Lavrov hoan nghênh những "tiến triển xác thực" trong việc tuân thủ thỏa thuận hòa bình Minsk ký kết tại Belarus ngày 12/2 vừa qua, khẳng định lệnh ngừng bắn đang được củng cố và các bên đang dần rút vũ khí hạng nặng khỏi miền Đông Ukraine.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho biết ông hy vọng cuộc gặp sẽ giúp mang lại thay đổi cần thiết để chấm dứt tình hình bạo lực đẫm máu. Ông bày tỏ hy vọng trong vài giờ và lâu nhất là trong vài ngày tới, thỏa thuận Minsk sẽ được thực hiện toàn diện và đầy đủ. Tuy nhiên, ông Kerry cũng cho hay tình hình bạo lực tại Ukraine hiện vẫn đang tiếp diễn và việc không đạt được tình trạng ngừng bắn toàn diện đang gây trở ngại cho tiến trình thực thi thỏa thuận hòa bình. 

Ngoài ra, quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng cho biết Washington mong muốn sớm nối lại quan hệ hợp tác với Moskva song cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang hiểu nhầm những hành động của Washington tại Ukraine cũng như mục đích của những hành động này. Ngoại trưởng Kerry khẳng định Mỹ không liên quan tới "các cuộc cách mạng màu sắc" cũng như không có mục đích cá nhân nào khi can thiệp vào tình hình Ukraine.

Mặc dù tình hình xung đột ở khu vực miền Đông Ukraine đã giảm đi tương đối, đụng độ vẫn tiếp diễn ở một số nơi gây thiệt hại về người. Theo báo cáo ngày 2/3 của Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein, hơn 6.000 người đã thiệt mạng kể từ khi bạo lực bùng phát ở miền Đông Ukraine vào tháng Tư năm ngoái. Quan sát viên của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu cho biết tuy các bên đã triển khai và thậm chí hoàn tất tiến trình rút vũ khí hạng nặng, song vẫn còn quá sớm để khẳng định đây là một sự rút quân hoàn toàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần