Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngọn lửa đam mê cháy bỏng của nhà khoa học nữ

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 40 năm gắn bó với phòng thí nghiệm, bục giảng trên bước đường nghiên cứu, với những đóng góp trong nghiên cứu khoa học, Gs.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Giảng viên Bộ môn Hóa Hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2016.

Nhắc tới GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng được đồng nghiệp cũng như nghiên cứu sinh và sinh viên nhắc tới niềm say mê nghiên cứu khoa học của chị. Ở cái tuổi ngoài 60, hơn 40 năm gắn bó với giảng đường đại học, giáo sư Phụng đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực hóa - dược, chủ trì và tham gia 11 đề tài tiêu chuẩn các cấp, công bố 144 bài báo gửi đăng trong các tạp chí chuyên ngành hoá, viết và xuất bản 7 sách giáo trình phục vụ giảng dạy đại học và sau đại học cho Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP HCM.
Đối với nhiều người thì có lẽ “Người chọn Nghề” nhưng với cô thì ngược lại “Nghề chọn Người”. Nhờ thành tích học tập xuất sắc ngay từ trên giảng đường đại học mà người phụ nữ giản dị, nhỏ nhắn ấy đã được giữ lại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (KHTN), Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh làm giảng viên.
 Hơn 40 năm gắn bó với giảng đường đại học, giáo sư Phụng đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực hóa - dược.
Nhà khoa học 62 tuổi này có phong thái nhanh nhẹn, gương mặt thanh thoát, nụ cười tươi rói và ánh mắt tinh nghịch kiểu thiếu nữ khiến tôi không thể không thừa nhận cái biệt hiệu “chị Hai xìtin” mà mọi người vẫn gọi thật hợp với bà. Nói về 40 năm đó, bà giáo chậm rãi: “Năm 1977, tốt nghiệp ĐH Khoa học tự nhiên, tôi và hai người nữa được giữ lại khoa Hóa. Ngày ấy khoa có 3 bộ môn, hai người kia chọn hóa lý, hóa vô cơ và phân tích, nên môn hóa hữu cơ thuộc về tôi. Tôi may mắn được phân vào nhóm của GS Lê Văn Thới và PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Sương - những người chuyên nghiên cứu về cây thuốc, may mắn được làm việc trong môi trường nghiên cứu học thuật và rèn luyện thực sự. Khoảng thời gian này giúp tôi nhen niềm đam mê với công việc nghiên cứu”.
Cho đến nay, dù sắp về hưu, bà giáo vẫn dặn mình phải “teen” hơn nữa để tiếp tục song hành với học trò, bởi “nếu mình quá nghiêm túc, oai vệ, hẳn các em sẽ thấy xa lạ lắm”. Thế nên cô Phụng khét tiếng khó tính lại cũng rất thoải mái đùa giỡn ngoài giờ. Bà tiết lộ những trò vui nho nhỏ trên giảng đường: “Đi dạy tôi hay mang kẹo, khi thì cho bọn trẻ ăn giờ giải lao, khi làm phần thưởng cho câu trả lời đúng. Không khí vui vẻ sẽ giúp các em thấy rằng học không bao giờ là gánh nặng, đó là hứng thú”.
40 năm gắn bó với phòng thí nghiệm, hướng nghiên cứu chính của chị là khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật hoặc địa y ở Việt Nam, đặc biệt là những loài thực vật chưa được các tác giả ở Việt Nam cũng như trên thế giới khảo sát. Trong quá trình nghiên cứu, chị đã tiến hành khảo sát 53 loài cây và cho ra kết quả thực nghiệm về hóa học và hoạt tính sinh học của những loài thực vật đó. Chị đã phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế tốt sự phát triển của tế bào ung thư ở người như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi, hoặc ức chế được các loại enzyme liên quan đến bệnh tiểu đường, gây nám đen da, bệnh Alzheimer,… Kết quả các công trình nghiên cứu của chị đã đóng góp vào kho tàng cây thuốc Việt Nam, đồng thời cung cấp cơ sở dữ liệu cho các nhà khoa học, nhất là lĩnh vực hóa - dược, có thể định hướng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, phục vụ cho nền công nghiệp dược ở Việt Nam và thế giới.
Giáo sư Phụng cho biết, điều quan trọng nhất là phải có sự đam mê, lòng yêu nghề, kiên trì đi hết con đường mà mình đã chọn. “Tôi ham mê nghiên cứu từ khi còn là sinh viên và luôn mong mỏi mình sẽ tạo ra được những sản phẩm có ích cho xã hội chứ không nhằm mục đích trở thành giáo sư, tiến sĩ hay nhận được giải thưởng, bằng khen.
 Dường như niềm đam mê khoa học cháy bỏng chưa bao giờ tắt trong ý chí của chị Phụng.
Dường như niềm đam mê khoa học cháy bỏng chưa bao giờ tắt trong ý chí của chị, dù con đường đến thành công gặp nhiều khó khăn, trong đó không ít lần thất bại. Chẳng hạn như những chuỗi tháng ngày lang thang một mình hoặc cùng học viên đi tìm những cây thuốc mới, lạ còn chưa được ai nghiên cứu, đặt tên. “Có những lúc khó khăn, bế tắc nhưng tôi quyết tâm không thể từ bỏ được, vì tôi hiểu những công trình nghiên cứu này còn gắn với kết quả nghiên cứu sinh của học viên. Vì vậy, hơn hết tôi phải là cột mốc trụ lại để cho sinh viên bình tâm tiếp tục triển khai”, GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng nói.
Điều mà chị Kim Phụng vẫn còn trăn trở là tới thời điểm này công trình nghiên cứu của chị vẫn chưa thể triển khai ứng dụng thành sản phẩm ra thị trường, bởi từ kết quả phòng thí nghiệm tới sản xuất viên thuốc bán trên thị trường sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức cùng với đó là vốn đầu tư lớn. Theo chị, nguồn dược liệu của nước ta còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá một cách đầy đủ, có hiệu quả; trong khi, các công ty dược hiện nay chỉ muốn sản xuất những thứ có sẵn, không muốn đầu tư nhiều vào nghiên cứu... Tuy nhiên, trong nỗi niềm của chị lại lóe lên tia hy vọng khi giáo sư Phụng nhìn về thế hệ sinh viên mà chị đang dìu dắt. “Các em chính là sản phẩm cụ thể của đời tôi. Tôi biết rằng, nhiều em không những trở thành giảng viên mà còn là những người nối bước trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học”.