Ngừng gieo cấy cho đến khi nhiệt độ đạt ngưỡng 20 độ C

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhận định mới nhất của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đợt rét đậm, rét hại những ngày qua dù gây ra nhiều thiệt hại đáng kể, song vẫn tạo ra một số lợi cho thời vụ sản xuất vụ Xuân 2016.

Lợi, hại song hành

Đánh giá của Cục Trồng trọt cho thấy, đợt rét bắt đầu từ 22/1 là một hiện tượng cực đoan khó dự báo dài hạn. Chưa bao giờ có tới 20 điểm ở miền Bắc có băng tuyết và băng tuyết xuất hiện ở cả Hà Nội (vườn quốc gia Ba Vì) và Thanh Hóa, Nghệ An.
Kiểm tra mạ vụ Xuân 2016 tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ
Kiểm tra mạ vụ Xuân 2016 tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ
Đợt rét và hiện tượng cực đoan này đã gây thiệt hại khá lớn cho sản xuất nông nghiệp, nghiêm trọng nhất là chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt ở các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc. Nguyên nhân là nền nhiệt độ đang ở ngưỡng cao 22-25 độ C, chỉ trong vòng thời gian khá ngắn, khoảng 1-2 ngày nhiệt độ nhanh chóng tụt sâu ở ngưỡng dưới 10 độ C và vùng núi xuống đến 0 độ C, gây ra hiện tượng sốc nhiệt.

Thống kê đến hết ngày 27/1, đã có hơn 7.600 con gia súc bị chết do rét đậm, rét hại. Cùng với đó là thiệt hại 5.971ha lúa, 81ha mạ, 4.673ha rau màu. Diện tích nông, lâm nghiệp bị thiệt hại, rừng bị tuyết che phủ là trên 80.000ha. Dự báo trong vài ngày tới, hiện tượng chết cháy do băng tuyết, do lạnh gây đông rồi vỡ tế bào mới càng rõ nét. Diện tích mạ còn non, không che phủ, thiếu nước cũng sẽ bị táp lá, nguy cơ chết cao.

Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đợt rét hại này sẽ lợi lớn hơn hại cho khu vực Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Sông Hồng.

Thứ nhất, suốt cả vụ Đông, tháng 11, 12 và hai tuần đầu tháng 1, nhiệt độ trung bình tháng đều cao hơn trung bình nhiều năm hơn 2 độ C. Với mùa Đông ấm, hệ lụy kéo theo sẽ là mạ gieo sớm, sinh trưởng nhanh và số lá đã đạt ngưỡng mạ già. Nếu cứ ấm, khi cấy lúa ở Đồng bằng sông Hồng sẽ có nguy cơ cao trổ bông đầu tháng 4, Bắc Trung Bộ trổ bông giữa tháng 4. Đợt lạnh này sẽ góp phần hạn chế và có thể sẽ “triệt tiêu” những nguy cơ của trà mạ gieo sớm có 6 và trên 6 lá, trà dài ngày. Cái lo ngại về lúa Đông Xuân 2015 - 2016 trổ sớm vụ này đã được giải tỏa.

Thứ hai, không ít vùng bà con có ý đồ cấy xong trước Tết, trước Lập Xuân để ăn Tết cho ngon nhưng trận rét này sẽ kìm lại và chắc phải lùi để cấy sau Tết Âm lịch. Như vậy, lúa trà Xuân muộn sẽ trổ vào thời điểm 5 -15/5, một khung an toàn và đạt năng suất cao cho lúa vụ Xuân ở miền Bắc. Thứ ba, không khí lạnh, kéo theo mưa rào, mưa rộng khắp miền với lượng mưa lên tới vài chục mm, lại đang bắt đầu đợt lấy nước đổ ải cho vụ Xuân, đất được cơ hội no nước, tiết kiệm hàng tỷ mét khối nước phải xả từ các hồ thủy điện vốn đã căng lên vì hạn. Do đó, thay vì xả nước 6 ngày, Bộ NN&PTNT đã thống nhất dừng thời gian xả nước sớm trước 1,5 ngày.

Không gieo cấy khi trời rét

Cục Trồng trọt khuyến cáo bà con nông dân ngừng cấy, ngừng gieo cho đến khi nhiệt độ được dự báo lên ngưỡng gần 20 độ C là tốt nhất. Theo dự báo, đợt rét này đã gần qua ngưỡng rét hại, chỉ còn rét đậm và sau Lập Xuân, tháng 2 vẫn được dự báo là nhiệt độ ấm hơn trung bình nhiều năm. 

Vì vậy, trà Xuân muộn với các giống lúa ngắn ngày, lúa lai, lúa Japonica (lúa Nhật) sẽ là nhóm giống và trà lúa lý tưởng cho bà con ở vụ Xuân. Khung thời vụ trà này còn khá rộng và nhất là gieo sạ gieo vãi sẽ giúp bà con tiết kiệm chi phí lao động, tăng hiệu quả sản xuất.

Theo ông Trần Xuân Định, bà con cần tranh thủ ấm lên, làm đất nhanh trước tết để ruộng chờ mạ, chỉ bón lót lân hoặc loại phân NPK chuyên lót có hàm lượng lân cao, bón lót đúng cách, bón trước bừa cấy và lót sâu.  Đồng thời chú ý giữ nước đều mặt ruộng với những ruộng đã cấy, ruộng mạ chưa cấy, nếu thiếu nước, khô hạn, gặp rét dài hơn lúa sẽ chết. 

Với các vùng bà con đã cấy trước khi xảy ra rét hại, khi trời ấm lên, kiểm tra ngay tình trạng mạ và lúa đã cấy, nếu nhổ lúa thấy rễ lúa đã đen lại, không có rễ trắng, các lá trên đã có biểu hiện héo, gốc thân chuyển đen, cần chủ động bố trí gieo bổ sung bằng các giống trà Xuân muộn, lúa thuần, lúa lai để thay thế diện tích này.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo đối với các loại cây rau, màu, cây dược liệu, cây ăn quả:

Ở những vùng bị băng, tuyết nặng: Cần khẩn trương thu hoạch các sản phẩm đã hoặc gần đến kỳ thu hoạch để giảm thiểu tối đa thiệt hại về năng suất, chất lượng.

Với những diện tích bị băng tuyết che phủ nhẹ, có thể sử dụng các biện pháp gạt bỏ băng tuyết để cây không bị gãy cành, dập lá, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển; Tăng cường chăm sóc, ủ gốc để giữ nhiệt cho cây nhằm tăng sức chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Đối với những diện tích rau ăn lá nên thu hoạch sớm để tránh hiện tượng chết hàng loạt. Tuyệt đối không bón phân đạm, phân NPK trong giai đoạn này cho tất cả các cây trồng nói trên.