Người biểu tình bạo loạn tại Điện Capitol sẽ đối mặt tội danh nào?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyền Tổng chưởng lý Washington D.C Michael Sherwin cho biết, những người biểu tình bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội có thể bị truy tố với các cáo buộc xâm nhập trái phép và trộm cắp tài sản.

Tội danh đối với người biểu tình bạo loạn
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, những người biểu tình tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ đối mặt với các cáo buộc xúi giục và nổi dậy. Theo RT, hơn 90 người đã bị bắt giữ liên quan đến vụ bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1.
Quyền Trưởng công tố thủ đô Washington, Mỹ, hôm 7/1 cho biết, giới chức Mỹ đã truy tố 55 người liên quan đến vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ trước đó một ngày.
Phát biểu với báo giới, quyền Tổng chưởng lý Washington D.C Michael Sherwin nói rằng trong số những người tham gia bạo loạn tại nhà Quốc hội Mỹ vừa bị bắt, một số người có thể phải đối mặt với các cáo buộc bạo loạn, nổi dậy và xúi giục nổi loạn.
Ngày 6/1, nhiều người biểu tình ủng hộ ông Trump đã vượt các hàng rào an ninh, rồi tràn cả vào bên trong tòa nhà Quốc hội, phá cửa, vào tận phòng họp nơi diễn ra hoạt động kiểm phiếu bầu Tổng thống.
Ông Sherwin cho biết, Bộ Tư pháp đã cáo buộc 40 đối tượng tại Tòa án Thượng thẩm D.C và 15 đối tượng khác với các cáo buộc liên bang.
Các cáo buộc cho đến nay bao gồm "xâm nhập trái phép và trộm cắp tài sản", nhưng ông Sherwin nói rằng, "tất cả các lựa chọn đang được đặt trên bàn" khi được hỏi liệu những người này có đối mặt với các cáo buộc xúi giục nổi loạn và nổi dậy hay không.
Ông Sherwin thông báo thêm rằng một người đàn ông đã bị bắt với “khẩu súng kiểu quân sự và bom xăng gần trụ sở Quốc hội, nhưng không nói rõ liệu đối tượng này có vào được bên trong Điện Capitol hay không.
Ngoài ra, cảnh sát cho biết, đang truy tìm ít nhất 36 nghi phạm khác. Những người này đều đã trực tiếp phá hoại tại trụ sở Quốc hội, trộm cắp tài sản, bắn hơi cay, có nhiều hành động cổ súy bạo lực và sử dụng vũ khí.
Giới chuyên gia pháp lý nhìn nhận, trong vụ việc này, người biểu tình phạm nhiều tội và các công tố viên có thể buộc tội với từng cá nhân ngay cả khi họ rời khỏi hiện trường mà không bị giam giữ.
Các chuyên gia cho rằng, các đối tượng náo loạn tại Điện Capitol có thể đối mặt các cáo buộc khác như gây rối trật tự dân sự, phá hủy tài sản, bạo loạn, mang vũ khí khi cảnh sát đã phát hiện 2 thiết bị gây nổ... 
Laurie Levenson, cựu công tố viên liên bang và là giáo sư tại Trường Luật Loyola cho biết: “Điều quan trọng là các công tố viên phải đưa ra một thông điệp mạnh mẽ từ những cáo buộc với những người thạm gia vụ bạo loạn trên”.
Cựu công tố Levenson lưu ý thêm: “Hành động nguy hiểm này không thể xảy ra thêm một lần nữa. Đây là một thời điểm rất đáng sợ đối với nước Mỹ và không thể tạo ra một tiền lệ rằng việc đối phó với phe đối lập chính trị thông qua hành động bạo lực".
Đâu là bằng chứng để kết tội người biểu tình bạo lực?
Với các khung tội phạm đã nêu, vấn đề quan trọng là lực lượng thực thi pháp luật sẽ sử dụng bằng chứng nào để kết tội người biểu tình?
Trong qua trình điều tra và kết tội, lực lượng công tố viên có thể sử dụng những bằng chứng về khám nghiệm pháp y, như xác định dấu vân tay.
Bên cạnh đó, hành vi đột nhập Điện Capitol diễn ra trực tiếp trên sóng truyền hình, điều này giúp cơ quan điều tra có bằng chứng hình ảnh.
 Có những thành phần tham gia biểu tình quá khích. Ảnh: Reuters
Cả FBI và cảnh sát đều đề nghị người dân Mỹ hỗ trợ họ xác định danh tính của những người tham gia vào vụ biểu tình bạo loạn. Ngày 7/1, FBI cho biết văn phòng ở Washington đã nhận được hơn 4.000 thông tin từ người dân, trong đó có ảnh, video các nghi phạm làm loạn Quốc hội. Các nhà phân tích tình báo đang phân loại thông tin và chuyển đầu mối thông tin đáng tin cậy cho các đội đặc vụ liên quan. Các điều tra viên cũng sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt để xác định chính xác nghi phạm.
Các dòng trạng thái người biểu tình tự đăng tải trên mạng xã hội cũng là một nguồn thông tin, bằng chứng khác.
Ngày 7/1, quyền Bộ trưởng Tư pháp Jeffrey Rosen đã gọi cuộc tấn công vào Điện Capitol là một "cuộc tấn công vào chính phủ và pháp quyền", tuyên bố rằng những người liên quan sẽ "đối mặt với toàn bộ hậu quả của những hành động đã gây ra".
Ngày 6/1, Mỹ đã trải qua một biến cố chưa từng xảy ra trong lịch sử nước này khi trụ sở Quốc hội Mỹ bị coi là đã thất thủ. Lý do là bởi hàng trăm người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã xâm phạm vòng ngoài của Điện Capitol ngay khi phiên họp chung của Quốc hội Mỹ đang diễn ra để chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Một số người trong số này sau đó đã đột nhập vào tòa nhà, xâm nhập vào các phòng của Hạ viện và Thượng viện cũng như một số văn phòng khác trước khi rút lui.
Vụ bạo loạn đã khiến phiên họp toàn thể của Quốc hội phải tạm dừng, nhiều nghị sĩ phải sơ tán và làm 5 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần